Trường hợp gần đây nhất là của em Nguyễn Quang Huy (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Huy nhận giấy báo trúng tuyển của Học viện Hậu cần với 24,75 điểm. 2 ngày sau khi nhập học, Học viện Hậu cần tổ chức kiểm tra sức khỏe và phát hiện Huy có thận phải nhỏ hơn thận trái.
Đến ngày 30/8, Hội đồng tuyển sinh của trường gửi thông báo cho gia đình em Huy về việc em không đủ tiêu chuẩn sức khỏe đào tạo Sĩ quan Hậu cần cấp phân đội, trình độ Đại học năm 2018 vì lý do thận phải lạc chỗ.
Mẹ em Nguyễn Quang Huy đau buồn lật giở lại những tấm giấy khen của con trai. Ảnh: Thiện Lương |
Sau đó, gia đình đã đưa Huy đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và nhận kết luận: thận phải nhỏ hơn thận trái do tiểu sản bẩm sinh nhưng chức năng thận phải vẫn bình thường.
Theo kết quả khám sức khỏe của Bệnh viện Quân y 105 và Hội đồng giám định sức khỏe Bệnh viện Quân y 103 do Học viện Hậu cần gửi về, kết luận về sức khỏe của em Huy cũng tương tự. Tuy nhiên, kết luận của Bệnh viện Quân y 103 cũng khẳng định: Chức năng thận bình thường, không có tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu. Và ở phần “lời dặn của bác sĩ” có ghi: Hiện tại về tiết niệu không ảnh hưởng đến công tác và học tập.
Sau khi bị trường từ chối về vấn đề sức khỏe, Huy và gia đình rất suy sụp. Họ vẫn hi vọng Học viện Hậu cần sẽ xem xét lại trường hợp của con em mình.
Một trường hợp đáng tiếc khác gần đây là em Quang Quốc Việt (Quế Phong, Nghệ An). Sau khi nhập học Trường Sĩ quan Thông tin, Việt bị trường trả về vì lý do không đủ điều kiện về chiều cao, cân nặng.
Trong khi, yêu cầu của trường là thí sinh phải cao từ 1m65, nặng từ 50kg trở lên thì Việt chỉ cao 1,6m và nặng 48kg. Do Việt ở khu vực được ưu tiên nên chỉ tiêu chiều cao giảm xuống 1,62m và cân nặng 50kg. Do đó, Việt được xác định là thiếu 2cm chiều cao và 2kg cân nặng.
Được biết, trong mùa tuyển sinh năm nay, có tới 5 trường hợp thí sinh đã trúng tuyển bị trả về do không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe sau khi trường kiểm tra lại.
Hiện tại, Việt đang được Trường ĐH Lâm nghiệp sẵn sàng tiếp nhận và miễn học phí cũng như chỗ ở nếu em đồng ý vào trường. Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng lên tiếng xác nhận bảo lưu kết quả cho Việt.
Tuy nhiên, hiện phía gia đình em đang chờ đợi quyết định cuối cùng từ Trường Sĩ quan Thông tin.
Cách đây 3 năm, một trường hợp tương tự khác cũng bị Trường Sĩ quan Pháo binh từ chối tiếp nhận sau khi đã trúng tuyển. Đó là trường hợp của em Lê Huỳnh Đức (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Đạt 23,5 điểm, Đức trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Pháo binh.
Hai bố con em Lê Huỳnh Đức từng bị Trường Sĩ quan Pháo binh từ chối tiếp nhận mùa tuyển sinh năm 2015. Ảnh: Lê Dương |
Trong vòng sơ tuyển tại trường, Đức vẫn đạt tiêu chuẩn loại A1. Nhưng sau đó, trường đưa em sang Bệnh viện Quân y 105 kiểm tra thì phát hiện 2 quả thận của em đều nằm bên trái. Nhà trường kết luận Đức không đủ điều kiện nhập học và gửi trả lại hồ sơ.
Qúa nuối tiếc, Đức và gia đình đã viết một bức thư cầu cứu Bộ Quốc phòng xem xét lại trường hợp của em với lý do từ nhỏ đến lớn, em chưa gặp vấn đề gì về sức khỏe và vẫn tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.
Cả 3 trường hợp bị trả về trên đây đều do kết quả khám sức khỏe tại địa phương không trùng khớp với kết quả kiểm tra lại của nhà trường.
Theo quy định tại Điều 15, Thông tư tuyển sinh, thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường quân đội phải được khám sức khỏe ở các chỉ tiêu: Nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng), tai- mũi- họng, răng- hàm- mặt, vòng ngực.
Ngoài ra, còn một số quy định riêng tùy thuộc vào nhóm trường.
Với các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không- Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng- Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa có yêu cầu về thể lực: nam cao từ 1,65 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; về mắt: Không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.
Với các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không- Không quân; Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vin-Hem Pich), yêu cầu về thể lực cụ thể như sau: thí sinh nam cao từ 1,63 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; thí sinh nữ (nếu có) phải đạt sức khoẻ Loại 1 theo quy định (cao từ 1,54 m trở lên, cân nặng từ 48 kg trở lên). Về Mắt: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi-ốp.
Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) có thể lực đạt Loại 1 và Loại 2, riêng thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62 m trở lên;
Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người (gồm các dân tộc: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ) dự tuyển vào tất cả các trường: Được lấy chiều cao từ 1,60 m trở lên, các tiêu chuẩn khác thực hiện như đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung;
Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung;
Tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân (nếu có), chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không- Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện xét tuyển vào đào tạo phi công quân sự.