“Thứ gì mặn có, thì chay có”
Khảo sát một vòng các chợ truyền thống tại TP.HCM, hầu hết đều có quầy thực phẩm chay công nghiệp. Ghé quầy thực phẩm chay của chị Lý Lan, chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh, TP.HCM, chị Lan cho biết, tháng 7 Âm lịch là thời điểm lượng đồ chay tiêu thụ mạnh nhất trong năm. “Chủ yếu bỏ mối cho các tiệm ăn chay là chính, bán lẻ cũng tạm ổn. Mà tháng 7, lượng bán ra phải gấp năm, gấp sáu lần ngày thường. Bán được nhất là sườn non, heo lát khô, cá thu giả, cá lóc giả, chả lụa chay, mắm ruốc chay để nấu bún bò, bún riêu chay”, chị Lan chia sẻ.
Tháng 7 Âm lịch, rất nhiều người lựa chọn thực phẩm chay thay thế cho bữa ăn mặn hằng ngày. Ảnh: Ngọc Giàu |
Tại quầy thực phẩm chay của bà Lê Thị B., chợ Gò Vấp, quận Gò Vấp, ngoài đậu hũ, tàu hũ ky, mì căn ra, bà B. còn nhập rất nhiều thực phẩm chay công nghiệp đóng gói. Bà B. cho biết: “Lúc trước chỉ bán đậu hũ, tàu hũ ky nhà làm rồi chiên tại chỗ thôi, sau này khách hay hỏi những món “chay giả mặn” như sườn, heo, cá, lòng chay, nên tôi nhập thêm về bán cho đầy đủ”. Cũng theo bà B., khách rất chuộng những món chế biến sẵn rồi đóng gói, đóng hộp như chà bông nấm, thịt kho tiêu, ba rọi kho, cá thu ướp sẵn… Vì những món này chỉ cần hâm nóng là có thể dùng ngay, phù hợp với nhu cầu của nhiều người.
Trứng chay, cá thu chay, mắm nêm chay, "thứ gì mặn có thì chay có". Ảnh: Ngọc Giàu |
Anh Thanh Trí, chủ cửa hàng thực phẩm chay trên đường Quang Trung, Gò Vấp nhận định: “Cứ thứ gì mặn có, thì đồ chay công nghiệp đều có thể làm giả được. Vì ăn chay thuần tự nhiên đôi khi sẽ bị ngán, bởi các món thuần chay thường không đa dạng. Người ăn chay theo kiểu thuần tự nhiên cũng rất ít, nên những mặt hàng “chay giả mặn” ở cửa hàng tôi bán rất được”. Anh Trí còn cho biết, cứ thứ gì lạ, “mới ra” lại được khách hàng ưa chuộng. Như trứng chay, với lòng trắng được làm từ thạch rau câu, lòng đỏ gồm đậu và khoai lang, thêm hương liệu để giống vị trứng, là mặt hàng đang được ưa thích tại cửa hàng.
Đừng để ăn chay độc hại hơn ăn mặn
Sau vụ việc pate Minh Chay có chứa độc tố botulinum, khách hàng lại bắt đầu ưa chuộng thực phẩm chay công nghiệp nhập khẩu từ Châu Âu, hay các nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Các loại thực phẩm chay ngoại nhập, lại thường được rao bán rất nhiều trên các trang mạng. Xem một cửa hàng thực phẩm chay tại sàn thương mại Shopee, rất nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài như: lẫu Tứ Xuyên, sườn cừu Mã Lai, bột Mayonnaise chay… đang được khách hàng ưa chuộng với hàng trăm lượt mua. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, ngụ quận 3, là người ăn chay trường chia sẻ: “Mình nghĩ là đồ từ Châu Âu, Nhật Bản nhập về thì tốt hơn. Bởi theo người bán quảng cáo, những thực phẩm này được làm từ rau củ trồng hữu cơ, không nhiễm hóa chất độc hại. Tuy hơi đắt, nhưng an tâm”.
Ăn chay để tốt cho sức khỏe nên dùng các loại rau củ, nấm, đậu tươi và tự chế biến. Ảnh: Ngọc Giàu |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm chay công nghiệp thường có một lượng chất bảo quản nhất định để có thể đóng gói, đóng hộp, kéo dài hạn sử dụng. Người sử dụng thường xuyên thực phẩm chay công nghiệp sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, đồ chay giả mặn là loại thực phẩm được khuyến cáo không nên dùng nhiều và thường xuyên. Vì nguyên liệu làm nên loại đồ chay này là bột đậu, protein thực vật nên buộc phải thêm các loại phụ gia, để tạo mùi, màu, độ dai, giòn… cho giống với đồ mặn. Ăn chay tốt nhất nên dùng các loại rau củ, hạt và tự chế biến.
Sau vụ việc pate Minh Chay gây ngộ độc hàng loạt, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã đưa ra khuyến cáo “cần cẩn trọng với thực phẩm chay công nghiệp”. Theo đó, đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm cho biết, hiện tại người mua rất khó xác định được mức độ an toàn của thực phẩm chay. Bởi thói quen cho rằng thực phẩm chay luôn an toàn hơn đồ mặn. Cùng với tốc độ phát triển của mạng xã hội và thói quen mua hàng trên mạng của người dân thành phố, thì việc đảm bảo an toàn thực phẩm lại càng khó khăn hơn. Người tiêu dùng cần bảo vệ mình bằng cách chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cẩn trọng với đồ chay không nhãn mác
Tại các chợ truyền thống, đồ chay công nghiệp không nhãn mác được bày bán rất nhiều. Đặc biệt là các loại chả chay, thịt, tôm chay… chỉ được bọc một lớp nylon hút chân không. Các loại đồ chay ngoại nhập bán tại chợ, thường không có nhãn mác Việt đính kèm, được người bán giới thiệu là nhập từ Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc… Đồ chay công nghiệp không nhãn mác, sẽ khiến người tiêu dùng khó thể xác định được hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng… Việc sử dụng các loại thực phẩm chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ này sẽ mang đến những nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.