Một danh sách các ứng cử viên tiềm năng cho tờ 50 bảng bao gồm nhà vật lý Stephen Hawking và thiên tài toán học Ada Lovelace, nhưng người cuối cùng được chọn là người hùng Alan Turing.
Turing (1912-1954), được lựa chọn nhờ có đóng góp quan trọng trong các chiến thắng của quân Đồng minh trong Thế chiến II bằng cách bẻ khóa máy tín hiệu Enigma của Phát xít Đức và có những đóng góp cho ngành công nghiệp điện toán hiện đại.
Cụ thể, thiên tài toán học người Anh đã phát triển một cỗ máy có khả năng bẻ khóa mã Enigma của quân đội Đức, vốn được coi là bất khả chiến bại vào thời điểm đó. Turing cũng hỗ trợ trong việc giải mã các thông tin thiết yếu hỗ trợ quân Đồng minh trong suốt cuộc xung đột chống lại Đức Quốc xã.
Công trình giải mật Enigma của Turing còn hỗ trợ cho chiến thắng của Liên Xô trong trận chiến Xô-Đức tại trận Vòng cung Kursk.
Sau chiến tranh, Turing bị kết tội "thiếu đứng đắn" và bị thiến hóa học do bị phát hiện có quan hệ đồng giới. Ông qua đời năm 1954 vì ngộ độc xyanua.
Năm 2013, 60 năm sau khi ông qua đời, Nữ hoàng Anh Elizabeth II mới chính thức ân xá cho Alan Turing.
Turing đã trở nên nổi tiếng như một anh hùng công nghệ và được xuất hiện trên đồng bảng Anh cùng với các anh hùng dân tộc khác như cố Thủ tướng Winston Churchill.
Máy Turing - công trình được nhà khoa học ra mắt vào năm 1936, có thể tính toán mọi thuật toán máy tình, giúp không chỉ trực tiếp chế tạo máy tính mà còn chứng minh những hạn chế của tính toán cơ học.
Những khám phá của ông được vật chất hóa thành cỗ máy Turing, nó không chỉ giúp đem lại chiến thắng cho nhân loại trong Thế chiến II mà còn trở thành nền tảng cho lý thuyết điện toán hiện đại.