Phát biểu tại tòa án Westminster của Vương quốc Anh sau khi vụ bắt giữ xảy ra, luật sư của ông Assange tuyên bố rằng người sáng lập WikiLeaks có lý do hợp lý để không nộp tiền bảo lãnh, nhưng nói thêm rằng ông Assange sẽ không đưa ra bằng chứng cho điều đó.
Tuy nhiên, các thẩm phán tại Anh nhận thấy ông Assange đã vi phạm các điều kiện bảo lãnh kể từ khi ông chủ WikiLeaks không trình bày được "lý do hợp lý" và có thể kết án người này 12 tháng tù giam. Thẩm phán tuyên bố rằng phía Mỹ phải trình bày tất cả các tài liệu cần thiết liên quan đến yêu cầu dẫn độ đối với Assange trước ngày 12/6.
Luật sư của nhà sáng lập WikiLeaks sau đó tuyên bố rằng sẽ chiến đấu với yêu cầu dẫn độ. Ông Assange sẽ vẫn bị giam giữ cho đến phiên điều trần tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 2/5.
Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc ông Julian Assange (quốc tịch Australia) có âm mưu với Chelsea Manning - nhà phân tích tình báo của quân đội Mỹ vào năm 2010, để xâm nhập hệ thống máy tính và đánh cắp các dữ liệu mật. Assange có thể phải đối mặt với án tù 5 năm ở Mỹ nếu bị kết tội.
Các công tố viên tại Washingotn tin rằng Manning đã trao cho Assange một phần mật khẩu được lưu trữ trên các máy tính của Lầu Năm Góc kết nối với Mạng Giao thức Internet Bí mật (SIPRNet), cho phép truy cập vào các tài liệu được phân loại của chính phủ Myx. Bộ Tư pháp Mỹ cũng chỉ ra rằng sau khi nhận được kho lưu trữ bí mật của quân đội Mỹ từ Manning, Assange đã kêu gọi nhà phân tích này khai thác thêm thông tin.
Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến sẽ đưa ra các cáo buộc bổ sung đối với Assange, nhưng chưa rõ đó sẽ là các cáo buộc gì và được công bố khi nào, hãng thông tấn CNN trích dẫn nguồn tin mật. Tuy nhiên, một nguồn tin khác của Reuters cho biết sẽ không có thêm tội danh nào được thêm vào.
Người sáng lập WikiLeaks - Julian Assange, đã bị bắt giữ bên trong Đại sứ quán Ecuador ở London vào ngày 11/4 vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh và yêu cầu dẫn độ từ Mỹ. Vụ bắt giữ được thực hiện sau khi Ecuador rút tình trạng tị nạn người này với lý do ông Assange liên tục vi phạm các quy tắc như đưa ra quan điểm chính trị chống lại các đối tác của Ecuador.
Sau khi hủy bỏ tình trạng tị nạn của ông Assange , Tổng thống Ecuador Lenin Moreno nói rằng phía London đã bảo đảm với ông rằng nhà sáng lập WikiLeaks sẽ không bị dẫn độ đến một quốc gia nơi người này có khả năng phải đối mặt với mức án tử hình. Thứ trưởng Ngoại giao Anh Alan Duncan sau đó cũng đã xác nhận thông tin này.
Ông Assange đã cư trú tại Đại sứ quán Ecuador từ năm 2012, sau khi ông được chính quyền Anh cho tại ngoại. Trước đó, nhà sáng lập WikiLeaks đã bị bắt giữ ở Anh theo yêu cầu của Thụy Điển do ông này đang bị cáo buộc tội danh hiếp dâm.
Julian Assange sau đó đã phủ nhận các cáo buộc, cho rằng điều này xuất phát từ động cơ chính trị và dùng để ép buộc dẫn độ ông về Mỹ, nhấn mạnh rằng các cáo buộc chỉ được đưa ra sau khi WikiLeaks công bố các tài liệu chiến tranh Afghanistan và Iraq của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhờ sự giúp đỡ của Chelsea Manning.
Phía Thụy Điển sau đó đã hủy bỏ yêu cầu bắt giữ vào năm 2017, nhưng ông Assange vẫn từ chối rời khỏi Đại sứ quán Ecuador vì lo ngại rằng có thể bị bắt giữ vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh của tòa án Anh và đối mặt với việc dẫn độ về Mỹ.