“Thiết kế” trẻ em – nguy cơ hay mối lo hoang đường?

(Ngày Nay) - Tuần qua, các nhà khoa học ở tiểu bang Oregon của Hoa Kỳ đã công bố kết quả một nghiên cứu quan trọng, theo đó họ đã thành công trong việc chỉnh sửa gene của phôi thai người để loại trừ một bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Như vậy, khoa học vừa tiến thêm một bước dài đến gần hơn khả năng chỉnh sửa phôi thai người. Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải lo sợ? Việc chỉnh sửa phôi thai liệu có thể vượt tầm kiểm soát, cho phép các ông bố bà mẹ “đặt hàng” một đứa con theo đúng ý họ?
“Thiết kế” trẻ em – nguy cơ hay mối lo hoang đường?

“Thiết kế” đứa trẻ xuất chúng - việc làm không đơn giản

Thông tin mới công bố về việc một nhóm các nhà nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã thành công trong việc sửa đổi ADN của phôi thai người một lần nữa làm dấy lên mối sợ hãi rằng một ngày nào đó, người ta sẽ “thiết kế” trẻ con. Nhưng có nhiều lý do để có thể tin rằng, nỗi lo sợ không có nhiều cơ sở thực tế.

Đây là điều mà các nhà nghiên cứu đã thực hiện thành công: Chỉnh sửa một đột biến trên một gene đơn lẻ. Đột biến này là nguyên nhân gây ra một bệnh lý tim mạch nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong.

Và điều mà khoa học gần như là không thể đạt tới được: Chỉnh sửa gene để một phôi thai phát triển thành một đứa trẻ có tài năng thiên bẩm, trí tuệ xuất chúng và sắc đẹp tuyệt vời. Lý do bởi vì những phẩm chất này không thể được ấn định chỉ bằng một đột biến gene đơn lẻ. Thậm chí, việc xác định tập hợp gene cụ thể tạo ra chúng cũng không hề dễ dàng.

“Thiết kế” trẻ em – nguy cơ hay mối lo hoang đường? ảnh 1

“Hiện tại, chúng ta chưa biết gì về cải tiến gene người”, ông Hank Greely, giám đốc Trung tâm Luật pháp và Sinh học tại Đại học Stanford cho biết. “Thành thật mà nói, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nói rằng, phôi thai này sẽ trở thành một đứa trẻ dẫn top đầu trong kỳ thi đại học”.

Ngay cả với những đặc tính thể chất cụ thể hơn, ví dụ như chiều cao, thì việc can thiệp gene để đạt được những kết quả này cũng là rất xa vời. Một số nhà khoa học ước tính chiều cao được quy định bởi tới 93.000 biến thể gene khác nhau. Nghiên cứu gần đây nhất mới chỉ xác định được 697 loại.

“Có thể bạn sẽ điều chỉnh được những thứ như là màu mắt”, ông Robin Lovell-Badge, giáo sư về gene và phôi thai tại Viện nghiên cứu Francis Crick ở Luân Đôn cho biết.

Nhưng “nếu chúng ta lo ngại về nguy cơ có người muốn thiết kế trẻ em, thì thường họ sẽ muốn thiết kế một phẩm chất gì đó đặc biệt hơn là những đặc tính thể chất thông thường”.

Quy trình chỉnh sửa gene được áp dụng trong nghiên cứu vừa công bố cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Sau khi các nhà nghiên cứu cắt bỏ một đoạn đột biến trên gene nam, nó đã tự sao chép một đoạn gene ở vị trí tương ứng trên trên gene nữ để làm đầy chỗ trống.

Đó là một phát hiện khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Trước đó, họ đã đưa một đoạn ADN mẫu vào trong phôi và cho rằng gene sẽ sao chép đoạn mẫu này vào vị trí thay thế cho đoạn gene lỗi đã bị cắt bỏ. Đây là điều xảy ra khi chỉnh sửa gene trên các loại tế bào khác trong cơ thể. Tuy nhiên, bộ gene của phôi thai người đã bỏ qua đoạn mã ADN mẫu này. Gene phôi thai người là sự kết hợp giữa cả gene của bố và gene của mẹ. Để thay thế đoạn mã ADN bị đột biến trên gene của bố hoặc mẹ trong phôi thai, đoạn gene lành lặn ở vị trí tương ứng của người còn lại đã được sao chép.

“Nếu bạn không thể khiến cho gene sao chép theo mẫu ADN bạn đưa vào, thì bạn sẽ không tạo ra được điều gì thực sự đột phá”, ông Lovell-Badge cho biết. “Bởi vậy, quy trình này sẽ không thể giúp thiết kế ra các em bé theo ý muốn”.

Tài năng và hình thức bề ngoài không phải là những thứ duy nhất phức tạp về mặt di truyền. Những loại bệnh lý và hội chứng tâm thần cũng phức tạp không kém. Thông tin di truyền không chỉ gói gọn trong một thông điệp twitter dài 140 chữ - nó dài tương đương một giá đầy những quyển sách dày, nhiều chương mục và các phụ lục chú thích.

Bởi vậy, việc chỉnh sửa gene phôi thai sẽ không thể giải quyết phần lớn những vấn đề sức khỏe của đứa trẻ sau này.

Nhưng hiện tại có khoảng 10.000 bệnh trạng có liên quan đến những đột biến cụ thể, trong đó có hội chứng Huntington và ung thư xảy ra do đột biến ở các gene BRCA, hội chứng Tay-Sachs, u xơ, bệnh hồng cầu hình liền và hội chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ. Về mặt lý thuyết, việc chỉnh sửa những gene đột biến có liên quan sẽ ngăn ngừa được những loại bệnh này di truyền từ đời trước sang đời sau. Các thành viên tương lai của gia đình sẽ không bị di truyền những loại bệnh này.

Nhưng để thử nghiệm phương pháp chỉnh sửa từng đột biến đơn lẻ đòi hỏi các nhà khoa học phải tìm ra đúng điểm vào của mỗi đoạn mã ADN, thường là một phân tử ARN, để điều khiển chính xác công cụ “kéo cắt gene”. Trong nghiên cứu vừa được công bố tuần trước, các nhà khoa học đã phải làm đi làm lại đến 10 lần mới tìm ra điểm vào chính xác.

Nguy cơ đạo đức

Các tác giả của nghiên cứu cũng không phủ nhận những nguy cơ về đạo đức của nghiên cứu này. Thay vì chỉ chỉnh sửa các gene đột biến gây bệnh tật, phương pháp chỉnh sửa gene có thể được ứng dụng cho những mục đích gây tranh cãi, ví dụ như chọn lọc và ưu hóa gene người. Bác sĩ Belmonte, một thành viên của nhóm nghiên cứu đưa ra ví dụ về những loại gene đã được xác định có khả năng tăng cường hoạt động cơ bắp. Hormon EPO, loại mà các vận động viên phải sử dụng định kỳ thường xuyên, được sản sinh nhờ vào một loại gene. Bởi vậy trên lý thuyết, chúng ta có thể tự điều chỉnh gene của mình để cơ thể sản sinh nhiều EPO hơn.

“Thiết kế” trẻ em – nguy cơ hay mối lo hoang đường? ảnh 2

“Việc cho phép chỉnh sửa tế bào dòng sinh dục sẽ dẫn tới rất nhiều nguy cơ - đặc biệt là khi các phòng khám sinh sản cung cấp dịch vụ ‘ưu hóa gene’ cho những người đủ điều kiện chi trả”, ông Marcy Darnovsky, giám đốc điều hành Trung tâm Di truyền học và Xã hội Hoa Kỳ cho biết. “Rất có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhận thấy mình đang sống trong một thế giới nơi con cái của một số người giàu được coi là ưu việt hơn những đứa trẻ còn lại”.

Các nhà khoa học và các nhà đạo đức có cùng một mối lo ngại: sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận phương pháp ưu hóa gene người. “Mọi sự can thiệp về gene phải là giành cho tất cả mọi người”, tiến sĩ Belmonte nhận định. “Phương pháp này không được tạo ra bất bình đẳng trong xã hội”.

Bất bình đẳng trong quyền tiếp cận là bài toán đặt ra với gần như mọi tiến bộ trong y học. Hiện tại, chính sự bất bình đẳng đang khiến cho nhiều người không tiếp cận được với sự chăm sóc y tế họ cần.

Nhưng cũng có những lập luận trái chiều trong vấn đề chỉnh sửa gene phôi thai người.

“Cá nhân tôi tin rằng chúng ta có nghĩa vụ khám phá những gì công nghệ có thể làm một cách an toàn, hiệu quả để mang lại lợi ích cho con người”, tiến sĩ Lovell-Badge cho biết. “Nếu bạn có phương cách để giúp đỡ các gia đình tránh khỏi nguy cơ sinh ra những đứa con bệnh tật, thì sẽ là vô đạo đức nếu bạn không làm điều đó”.

Nhiều nhà khoa học và nhà đạo đức cho rằng, chỉnh sửa gene không nhất thiết phải là một bài toán được ăn cả, ngã về không. Chúng ta có thể dùng các công cụ luật pháp và giám sát để tạo lập ra một vùng an toàn, nơi công nghệ chỉnh sửa gene có thể được áp dụng để mang lại lợi ích tối đa cho con người.

Ví dụ như, nước Anh có các quy định quản lý nghiêm ngặt xung quanh việc tầm soát dị tật ở phôi thai sau thụ tinh nhân tạo và trước khi cấy vào tử cung người mang thai. Các phôi thai được tầm soát phát hiện những đột biến gene có hại, và chỉ những phôi thai khỏe mạnh mới được cấy vào tử cung người mẹ.

“Họ cho phép làm những điều hợp lý, và không cho phép làm những điều phi lý”, tiến sĩ Lovell-Badge cho biết. “Mọi phôi thai đều phải được tầm soát. Nếu ai đó cố tình vi phạm và bị phát hiện, hình phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật sẽ rất nặng nề".

Theo số liệu năm 2015, một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, có luật hạn chế hoặc cấm việc điều chỉnh gene trong các phôi thai của con người.

Một số quốc gia khác, Trung Quốc là một ví dụ, có các quy định hướng dẫn - nhưng chưa được luật hóa - về việc cấm hoặc hạn chế hành vi điều chỉnh gene của phôi thai người.

Trong tương lai, liệu có quốc gia nào cho phép các phòng khám sinh sản tạo ra những em bé với cac phẩm chất ưu việt hay không? Điều này là có thể xảy ra. Ngay cả trong thời điểm này, nhiều phòng khám ở Hoa Kỳ và một số nơi khác đã cung cấp dịch vụ trị liệu tế bào gốc hiện vẫn chưa được chứng minh hiệu quả điều trị y tế.

Nhưng bà Alta Charo, một nhà lý luận về đạo đức trong lĩnh vực sinh học ở Đại học Winsconsin-Madison nhận định rằng, trong lịch sử, rất ít xảy ra các trường hợp công nghệ hỗ trợ sinh sản được sử dụng vào những mục đích không hợp đạo đức.

Những phương pháp điều trị như thụ tinh trong ống nghiệm thường khó khăn và đắt đỏ, và các bậc cha mẹ thường muốn con cái càng giống mình càng tốt. Họ sẽ chỉ can thiệp vào gene nếu không còn sự lựa chọn nào khác.

“Bạn từng nghe nhiều người nói rằng công nghệ điều chỉnh gene sẽ khiến chúng ta đối xử với trẻ em như thứ hàng hóa, khiến cho con người trở nên thiếu bao dung với người khuyết tật, và tất cả những lập luận tương tự như thế”, bà Charo nói.

“Trong khi những mối lo ngại này là đáng ghi nhận, chúng ta cần nhận ra rằng mọi công nghệ mà chúng ta đã có đều đi kèm theo những nguy cơ nào đó, và phần lớn những nguy cơ đó chưa trở thành thực tế”.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.