Thơ rất cần tri âm!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, thơ Trần Lê Khánh nổi lên như một hiện tượng trong sinh hoạt văn chương. Thơ của tác giả này được ghi nhận với nhiều giải thưởng nhưng dường như thơ Trần Lê Khánh nói riêng và thơ nói chung cần tri âm từ bạn đọc hơn là tấm giấy khen.

Tôi vẫn luôn cho rằng nếu chỉ dạo chơi, chỉ vỗ nhịp hát với những âm điệu, hay choáng ngợp với màu sắc lung linh của thơ một thoáng. Rồi thoải mái đi qua bằng những xưng tụng phù phiếm là có lỗi với thơ và người làm thơ. Là vô tình tạo cho thơ có cơ hội làm dáng, có lý do để phô diễn. Thơ thực sự không cần hình thức, cái thơ cần là... đánh thức! Người làm thơ sống bằng cảm xúc. Cảm xúc nằm trong câu chữ làm thành thơ, đôi khi thành những mâu thuẫn, những dị biệt. Điều này dễ dàng nhìn ra trong thơ Trần Lê Khánh. Có những câu thơ của Khánh làm ngẫn ngơ, làm lắng đọng mọi thứ khi đọc, những câu thơ đầy ắp nghĩ suy, tràn ra trên giấy, rồi gom lại làm thành một vùng sáng, một vòng tròn và để rồi, lại ngạc nhiên khi thấy một vòng tròn hở!

Có cái gì đó như thiếu, như không trọn vẹn, như bỏ lửng, như mệt nhoài sau một lần rượt đuổi với ý tưởng. Nó như chỉ dành cho người viết. Nó làm cho người đọc hụt hẫng, nuối tiếc vì cái bước đi ngập ngừng của người viết. Hình như với Khánh, thơ ở một thế giới khác, thơ mang hơi thở của cuộc sống, nhưng không phải là một thông điệp. Thơ là để chiêm ngưỡng, là một thứ liệu pháp, là một chút gió chiều êm ả, xua đi cái nóng bức của những xô bồ thường nhật. Ngôn từ nhẹ nhàng, chôn trong những câu thơ Khánh là những hình ảnh chìm khuất, sâu lắng. Cách diễn đạt có khi xa lạ với những gì thường thấy. Đơn giản là Khánh có ít bạn thơ, ít có cơ hội trao đổi về thơ với bạn bè văn nghệ. Khánh ôm lấy thơ như ôm lấy khoảng trời riêng của mình. Để rồi ôm luôn cái cách biệt, cái khoảng trống không đồng đều. Cái thâm trầm, sâu sắc, lại xen lẫn, đồng hành với cái bất chợt, cái thoáng qua của những cảm xúc trong bài thơ.

Thơ rất cần tri âm! ảnh 1

Tập thơ Dòng sông không vội

Ai đó đùa cợt: “Những nhà thơ chỉ... lớn khi ngồi với nhau!”. Ngẫm ra lại đúng! Cuộc sống vốn hối hả, vốn khắc nghiệt, mấy ai rảnh hơi đi phân tích, đi đào xới cái bên dưới một bài thơ. Người làm thơ vùng vẫy, chết đuối trong con sông cạn của mình, vì thiếu đồng bọn, thiếu tri âm và thiếu luôn cái không khí thơ để thở, cái không khí hiếm hoi chỉ từ những người bạn thơ.

Bắt đầu từ cái tựa tập thơ “Dòng sông không vội”. Là câu hỏi hay câu trả lời? Hỏi cho một thói quen và trả lời cho một thuộc tính. Cũng có thể như những góp nhặt, làm đầy thêm cho thứ hành trang của một cuộc chơi, một hành trình đi tìm lấy mình của Trần Lê Khánh. Tình cờ hay sắp sẵn, thì dòng sông thơ của Khánh cứ vậy, chậm rãi và cân nhắc. Nó không vội chảy, nó trôi, thấm vào cây cỏ ven bờ, và cây cỏ nở hoa:

"... cánh hạc

chia đôi cánh đồng

bờ đông hoa rực

nuốt ực giọt phù sa

sóng dạt xa

bước một lần nước

bạc đầu ở cửa biển chơi vơi

mưa rơi

hối hả phương trời

dòng sông không vội

(trang 31)

Mây đen nhiều tất có mưa. Đi tất tới, tìm tất gặp. Nhưng cái trong thơ Khánh không phải để tìm đến một nơi nào đó, mà chính là để hình thành một thứ gì đó:

"... đêm giấu bớt bình minh

ngày giấu mấy mặt trời

đỉnh đồi căn nhà trống

đợi chờ cái rỗng không

... tuyết rơi theo dấu chân

người bước lần dấu tóc

ngày thần tiên bật khóc

giọt nước mắt trên mây..."

(trang 13)

Sinh tử là lẽ tự nhiên của trời đất! Lá sinh ra là để rụng. Vội hay không, thì cũng về với đất, hay thành tro trong lửa. Và ngọn lửa gửi gắm gì trong mớ tàn tro đó:

"... chú tiểu đốt đống lá đa

thoáng chốc ngọn khói già

vầng trăng rằm đau đẻ

những linh hồn thứ ba

gió thổi đống tro ra

lách tách, tàn dư bay lả tả

đem theo từng đốm lửa

về sáng gốc cây ma"

(trang 17)

Nhìn và thấy khác nhau. Cái thấy của những người làm thơ cũng khác nhau. Tôi không muốn quàng vào thơ bất kỳ một kiểu dáng hay một danh xưng nào. Điều đó chỉ làm cho thơ trở thành bó buộc và nhận chìm nó. Tôi thích những câu thơ này của Khánh, đơn giản chỉ vì một cái nhìn thánh thiện mà lại rất người:

"con chim đậu trên chiếc lá vàng

kiếp sau cả hai sẽ hoá người

thành đôi tình nhân mỏi bước

tìm về gốc cây cũ

chờ nhau

(trang 51)

Thơ Khánh có nhiều về mùa thu. Đành phải không vội để buông thả cho hết những cảm xúc của mình, mà theo dòng sông vừa trôi vừa nhìn dưới chân, để thấy gió và để nghe tiếng lục lạc, không phải khua mà ngân, cái tiếng ngân mộng mị, níu kéo:

"em đi ngang

thu đỏ dần

gió chảy dưới dòng sông

con cá nằm mơ đeo chiếc lục lạc hồng

ngân"

(trang 57)

Thực ảo ở đâu? Sông trôi ra biển, sông vẫn còn là sông, trong lòng biển. Đã thấy vô cùng đâu? Sao không cứ hồn nhiên như những giọt sương sớm mai, thản nhiên với những gảy khúc và gập ghềnh trong đời:

"giọt sương đùa chiếc lá khô

bỗng thần ánh sáng mang lưỡi gươm công lý

bắt giọt sương trở về trời

linh hồn giọt sương ở lại

ôm chiếc lá khô

đi vào địa ngục bóng tối

hồn nhiên"

(trang 63)

Dù vội hay không thì dòng sông vẫn chảy, vẫn bỏ lại sau lưng những buồn vui. Mặt trời không lặn hai lần trong một ngày! Vì ai:

"mưa dài ra đi

bỏ rơi buổi chiều ảm đạm

nước mắt dài ra đi

bỏ rơi người con gái

gió, tiếng hát và con đường nán lại

bỏ lại ngày mai"

(trang 121)

Thơ rất cần tri âm! ảnh 2

Nhà văn Ngô Đình Hải (trái) và nhà thơ Trần Lê Khánh.

Đã đi qua cuộc đời là nợ nần chồng chất. Yêu thương và khổ đau ghì chặt. Con sông cõng bao nhiêu bóng trăng, bao nhiêu lần chiều xuống trên lưng, làm sao nhớ hết. Có chậm mấy để mang cũng có còn đâu.

Mỗi ngày luôn bắt đầu bằng một mặt trời cũ (PCT). Thôi:

"trời đỏ

đêm nhạt dần

linh hồn mỏi

trên những vết son"

(trang 141)

Có những thứ không biết từ đâu tới, vì sao mà có, nhưng luôn ở bên ta. Đi theo ta, gắn chặt không rời vào đời ta như một lời nguyền! Những câu thơ làm thành chiếc bóng, hay chiếc bóng là những câu thơ. Nó quen thuộc đến mức, đôi khi ta quên mất người bạn đồng hành của mình. Rồi một chiều nào đó, chợt thấy mình vô tâm, thấy mình tệ bạc. Rồi vội vã nhặt nhạnh lấy nó, như nhặt những tháng ngày đã qua:

"lão tiều phu

chiều chiều

vung búa bổ vào bóng mình

đã tám vạn bốn ngàn lẻ tịch lần

bó chặt từng cái bóng

nhiều bó nặng

gánh về đâu?"

(trang 127)

Những câu thơ trú ngụ trong người, làm ấm một mùa đông, làm mát một mùa hè, làm vàng đi nỗi nhớ của một mùa thu. Mùa thu trong thơ Khánh thiếu lá vàng, thiếu tiếng xào xạc của những âm thanh tiếc nuối, nhưng lại có rất nhiều thứ đã mất đi, lẫn khuất đâu đó ở trong một bóng hình. Thu ở trong em nhiều tới mức như khi có em, đã không còn gì để mất nữa:

"mùa thu trắng tinh như tờ giấy

vì em đã về

anh và rừng lá xưa vàng úa

làm thu lần này

không còn gì để phai"

(trang 143)

Mà thực sự thì ta có mất gì chăng? Hay chỉ là những thứ vay mượn, những thứ đi qua và ghé lại, như tìm ở ta một chốn dừng chân. Những thứ không ngừng rượt đuổi, chen chúc, xô lấn, khuấy động sự bình yên trong ta, rồi lặng lẽ rời xa. Và ta lại đi tìm, tìm thứ lầm tưởng là thật, là của mình, mà vá víu, mà lấp cho đầy khoảng không mộng tưởng:

"đêm dài u uất

bình minh mờ ảo

con cá đỏ quyết tìm sự thật mặt trăng đáy nước

nó chợt lắc đầu

đớp vào bóng lưỡi câu"

(trang 217)

Tim đó và có thể thấy đó. Nhưng để làm gì? Biết có giữ lại được không:

"linh hồn mây là chiều mờ

linh hồn cỏ là chiếc lá khô

linh hồn sương khói là người

trong mơ"

(trang 199)

Muốn hay không thì ta vẫn là ta. Là của ngày xô bồ, nắng gió. Là của đêm tịch mịch, là của những hư không dư thừa định nghĩa. Đêm trong thơ Khánh là đêm của hồn, của lòng, của trăng, của cái cõi không vô bờ:

"đêm

hồn như bong bóng

cõi lòng đêm trăng

... đêm

xác bóng sum vầy

hồn trăng thanh vắng

tròn đầy

cõi

không"

(trang 179)

Tôi không ghi lại những tựa đề, không phân chia tập thơ thành những khoảng rời nhỏ bằng những cái tên có sẵn trong đó. Bởi với tôi, thơ Khánh như một dòng sông chảy chậm, không có chỗ để dừng lại, trong ngần sỏi đá dưới chân:

"mây xoa ngọn đồi

sỏi đá mềm như khói

tháng là ngày dần

giờ là phút lân mẫn

giây là chớp thậm thâm

thuở sát na, trời lỡ tay thả núi trần

thiên thu, là mây đong đưa chiếc áo"

(trang 73)

Ở một nơi không có chỗ cho thời gian, như "Dòng sông không vội”. Tôi luôn muốn gặp một thứ gì đó thật thơ. Thứ gì đó làm cho người ta lọt thỏm vào trong khi đọc. Thứ gì đó thoát ra ngoài những khuôn sáo, những câu thúc có sẵn. Không phải bằng ảo diệu của ngôn từ, mà bằng chính cái chợt đến. Cái bật ra như một tiếng kêu thảng thốt, từ tận bên trong mớ lùng nhùng của vô thức, hoá thành thơ! Và tôi đã có được phần nào mong muốn của mình khi đọc tập thơ này. Tập thơ còn nhiều, con đường thơ của người thơ Trần Lê Khánh cũng còn dài. Tôi cũng không vội, cứ ngồi xuống, cứ chìm đắm trong cái thế giới thơ của Khánh, nhẩn nha mà chờ đợi. Chờ những mảnh vỡ mộng du, vá lại một mùa thu đang vỡ:

"bầu trời bong mảnh sầu

những chiếc lá me bay cao

vá lại mùa thu đang vỡ

gió bất lực

con đường gục đầu bên gốc cây sâu

cỏ tróc màu

hư vô chảy máu"

(trang 245)

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).