Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết: Những cơn mưa sẽ khiến nhiệt độ giảm, dịu bầu không khí nắng nóng oi bức. Tuy nhiên, chính sự giảm nhiệt đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi, dễ đổ bệnh, đặc biệt là những nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính.
"Thời tiết cực đoan cũng là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, ví dụ rota virus, cúm, phế cầu khuẩn, sởi... Bên cạnh đó, số ca mắc mới COVID-19 đang tăng trở lại, chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, đái tháo đường, COPD... khiến nguy cơ bệnh nặng tăng cao", bác sĩ Bạch Thị Chính nhận định.
Còn theo Bác sĩ Phạm Lê Nam, chuyên khoa nội tổng quát, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), sự thay đổi của thời tiết có thể dẫn đến các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, không thoát được mồ hôi, người mỏi nhừ, sốt nhẹ, lạnh run… thường xuất hiện vào những ngày chuyển mùa, sau khi đi mưa.
Bên cạnh đó, thay đổi thời tiết thất thường cũng dẫn đến nhiều người mắc phải viêm mũi dị ứng hơn, niêm mạc mũi dễ bị kích ứng hơn vào những ngày chuyển mùa hoặc thời tiết trở nên lạnh hơn. Người bệnh thường có các triệu chứng như: ngứa mũi, mắt, chảy nước mũi trong, có thể kèm theo đau đầu và hắt hơi nhiều.
Bác sĩ Phạm Lê Nam cho biết thêm, đối với người lớn tuổi hoặc người lao động quá sức, việc thay đổi thời tiết có thể dẫn đến đau nhức xương khớp. Cơn đau xương khớp thường xuất hiện trước hoặc sau khi mưa, nhất là nửa đêm về sáng, hoặc sau khi đi ngoài trời mưa mà không che chắn bảo vệ kỹ. Còn ở trẻ em cũng rất dễ ốm khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại nếu không được phòng bệnh kỹ. Trẻ có thể mắc một số các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh...
Theo khuyến cáo của ngành y tế, thời tiết đang bắt đầu chuyển sang mùa mưa, khí hậu ẩm ướt, độ ẩm cao tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, phát triển, làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Trong bối cảnh này, người dân cần thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh phòng ốc và môi trường xung quanh; đậy kín nắp bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thay nước ở các lọ hoa mỗi ngày, thả muối hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Bên cạnh đó, để phòng bệnh thời tiết giao mùa, người dân cần giữ ấm cơ thể, nên ăn uống ấm nóng, duy trì chế độ vận động và sinh hoạt điều độ để giữ sức khỏe tốt, đủ sức để chống lại các yếu tố gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Đồng thời, nên cho trẻ tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh hô hấp trong thời điểm giao mùa như cúm, viêm phổi, sởi - quai bị - rubella, viêm màng não, viêm não do mô cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, vaccine phòng bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota… Theo các bác sĩ, việc tiêm vaccine phòng bệnh sẽ giảm thiểu những biến chứng và nguy cơ tử vong.