Trước một số ý kiến cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa lớp 1 nặng hơn trước đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện, chương trình không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm. Còn sách giáo khoa không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức.
Theo Thứ trưởng, ở chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên, nhà trường chủ động nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với từng học sinh đặc thù của từng trường. Vì vậy cùng một chủ đề trong sách nhưng tùy vào đối tượng học sinh mà trường có thể dạy 2, 3, 4 tiết cho phù hợp.
Về tốc độ thực hiện chương trình nhanh hay chậm sẽ có khác nhau giữa các trường, miễn là không vượt quá tổng thời gian cho môn học đó trong một năm. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, giáo viên nhà trường nên điều chỉnh cho phù hợp. Đây là điểm mới nên nhiều nơi chưa mạnh dạn thực hiện mà vẫn theo cách cũ.
Đồng thời, trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đặc biệt chú ý việc giảm tải để tăng tính trải nghiệm thực hành. Vì vậy các nội dung và giải pháp thể hiện trong chương trình mới đều được tổ chức thực nghiệm, lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhà quản lý và trong các tầng lớp nhân dân.
Một tiết học môn Tiếng Việt lớp 1, chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Hà Cường) |
So sánh thời lượng học môn Tiếng Việt từ lớp 1- 5 của chương trình giáo dục phổ thông 2018 với năm 2000:
Lớp | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tổng |
Chương trình GDPT năm 2018 | 420 | 350 | 245 | 245 | 245 | 1.505 |
Chương trình GDPT năm 2000 | 350 | 315 | 280 | 280 | 280 | 1.505 |
Có thể thấy, tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cả cấp tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 và năm 2018 không thay đổi. Tuy số tiết cho lớp 1, 2 trong chương trình mới có tăng (2 tiết/tuần cho lớp 1 và 1 tiết/tuần cho lớp 2) so với chương trình cũ nhưng số tiết cho lớp 3, 4, 5 lại giảm.
Thứ trưởng Độ nói, việc tăng số tiết cho lớp 1 và 2 giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, lấy đố làm tiền đề học tốt các môn học khác.
Từ so sánh trên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, về nội dung kiến thức, chương trình giáo dục phổ thông mới có phần giảm nhẹ so với chương trình cũ. Việc tăng tiết học ở lớp 1, 2 là để giảm tải, chứ không phải tăng tải.
Trong khi đó, để hoàn thành nhiệm vụ học sinh học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết, ở chương trình cũ phải thực hiện 350 tiết/năm học (trung bình 10 tiết/tuần); còn chương trình mới là 420 tiết/năm học, (12 tiết/tuần) tăng 2 tiết để giáo viên, học sinh dạy học đỡ vất vả hơn.
Để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình GDPT mới hiệu quả, đúng quy định, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, không gây quá tải và đáp ứng yêu cầu triển khai theo hướng mở. Giáo viên sẽ giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Đồng thời, thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.