Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội sáng nay (20/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được tích cực triển khai theo tinh thần là quốc sách hàng đầu; đổi mới kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, giảm áp lực và chi phí xã hội.
Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học tiếp tục được nâng lên. Cụ thể, trong kỳ đánh giá PISA quốc tế năm 2018 (đánh giá diện rộng đối với học sinh đại trà), Việt Nam đạt 543 điểm Khoa học - điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; đạt 505 điểm Đọc hiểu - điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Từ năm 2015 đến nay, học sinh Việt Nam đã đạt tổng số 162 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế, trong đó có 53 Huy chương Vàng. Đặc biệt, kết quả qua từng năm đều có bước tiến bộ vượt bậc, nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi.
Việt Nam đã có 3 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, có 8 trường đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu Châu Á.
Hiện nay, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, quan tâm hơn giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức dạy và học trực tuyến được triển khai mạnh mẽ, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có một số điểm chưa phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay.
Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ cần triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo đúng lộ trình. Đồng thời có giải pháp để điều tiết giá sách giáo khoa, bảo đảm nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - ông Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền các cấp đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn |
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường.
“Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân”, ông Mẫn nhấn mạnh.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo biện pháp khắc phục, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp tục xảy ra ở một số nơi, yêu cầu cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để phòng ngừa và ngăn chặn.