Thủ tướng Chính phủ ra công điện hoả tốc về đối phó mưa lũ ở miền Trung

(Ngày Nay) - Trưa ngày 8/10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hoả tốc yêu cầu các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, các cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan khẩn trương tập trung đối phó với mưa lũ lớn diễn ra những ngày qua. 
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều nhà dân ở Quảng Trị chìm trong nước.
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều nhà dân ở Quảng Trị chìm trong nước.

Tình hình mưa lũ ở miền Trung diễn biến phức tạp

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP miền Trung và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm bốn tại chỗ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời dân để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

UBND các tỉnh khuyến cáo, hướng dẫn người dân việc đi lại trong khi có mưa lũ, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông ở khu vực bị ngập sâu, chảy xiết. 

Các tỉnh căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực đề phòng mưa lũ gây ngập úng chia cắt kéo dài; Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh triển khai các biện pháp gia cố đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập.

Đối với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ thủy điện, thủy lợi, góp phần giảm lũ cho hạ du.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán, di dời dân cư, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Công an, Bộ GTVT bảo đảm trật tự trên địa bàn, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, bộ, đường sắt tại khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ.

Các Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ TN&MT, Bộ TT&TT, cơ quan báo chí... tùy vào chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn.

Thủ tướng Chính phủ ra công điện hoả tốc về đối phó mưa lũ ở miền Trung ảnh 1

Tình hình mưa lũ ở miền Trung hiện đang diễn biến hết sức phức tạp.

Đã có 6 người chết và mất tích

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến ngày 10-10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-400 mm, có nơi trên 450 mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 100 mm.

Từ ngày 11-10, ở các tỉnh Trung bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài. 

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến sáng sớm 8-10, mưa lũ đã làm sáu người chết và mất tích, trong đó Quảng Trị đã có ba người chết và một người mất tích, Gia Lai có hai người chết.

Tại Huế, do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 9 km, tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải, Phú Nhuận, Phú Diên, Phú Hải, Hải Dương.

Tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra 24 điểm sạt lở tại các vị trí đã bị sạt lở do bão số 5 gây ra tại huyện Tây Giang. Sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền các địa phương đã tổ chức các lực lượng để tìm thi thể nạn nhân và thăm hỏi, động viên gia đình có người chết, mất tích và chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả. 

Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
(Ngày Nay) - Phở ra đời trong bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầu thế kỷ 20 và được coi là món ăn quốc dân của Việt Nam, vượt qua thời gian để trở thành biểu tượng ẩm thực độc đáo. Từ những gánh hàng rong đến những quán phở gia truyền và hàng loạt chuỗi nhà hàng cao cấp, phở đã trở thành câu chuyện văn hóa và kinh tế mang tính biểu tượng.
Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng mời đại biểu, khách mời thưởng thức nem. Ảnh: Trường Dụy/PV TTXVN tại Italy
Phở và nem Việt Nam chinh phục thực khách Italy
(Ngày Nay) - Ngày 12/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức sự kiện “Ngày Phở và Nem tại Italy” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và thúc đẩy du lịch Việt Nam.