Tại Diễn đàn do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe các ý kiến cũng như trực tiếp đối thoại, trả lời những vấn đề doanh nghiệp quan tâm trong ba lĩnh vực về kinh tế số, nông nghiệp và du lịch.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng, những kết quả khảo sát niềm tin của doanh nhân lần đầu tiên được Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam thực hiện trong phiên họp này đã cho thấy những tín hiệu khả quan khi niềm tin của nhà đầu tư đang dần được cải thiện rõ nét.
Trước 1.000 doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ đối với các bạn”.
Thủ tướng cho rằng, Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50–60% GDP.
Doanh nghiệp nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, từ đó, tập trung sản xuất, hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch… thay vì tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ chú trọng phục vụ các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp.
Doanh nghiệp cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…
Nhắc lại câu nói của người xưa rằng “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi”, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với các khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam; giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn; luôn đồng hành với doanh nghiệp, xem những khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của bộ, ngành mình.
“Phải có cả tâm lẫn tài. Tâm thôi không đủ mà cần phải nâng cao năng lực để bắt nhịp và thích ứng với đòi hỏi của kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nêu rõ. Công tác quản lý phải đi kịp sự phát triển, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước hết là thể chế chính sách phải phù hợp, phải sửa đổi kịp thời hơn.
Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu nước ngoài dự Diễn đàn. |
Với các địa phương, Thủ tướng mong muốn cần liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau, không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình. Tạo dựng sẵn các nguồn lực như đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách đặc thù… để nhà đầu tư không phải chờ đợi.
Các địa phương cần thu hồi những dự án, đất đai, tài nguyên và cả cơ chế chính sách đối với những nhà đầu tư yếu kém để trao cho những nhà đầu tư mới có năng lực, cam kết dài hạn và đồng hành cùng địa phương và cùng với Chính phủ.
Đặc biệt, Thủ tướng nhắn nhủ ngành ngân hàng cần nhận thức việc doanh nghiệp khó khăn tiếp cận nguồn vốn có phần trách nhiệm của mình. Các doanh nghiệp làm ăn được mới có dòng tiền về ngân hàng, ngân hàng cùng doanh nghiệp phát triển. Hơn lúc nào hết, ngành ngân hàng cần hiểu rõ, thấu đáo các quy trình sản xuất, khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp. Cần phải tư duy theo hướng này và cụ thể hóa bằng những cơ chế cho vay linh hoạt.
Đối với doanh nghiệp tư nhân, cần liên kết, gắn kết, cùng phát huy thế mạnh, lợi thế của nhau, xác định các mũi nhọn cụ thể, tránh phong trào, dàn hàng ngang; nắm rõ thị trường, hiểu thị trường; lường trước những rủi ro, khó khăn; đổi mới sáng tạo, năng động, tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
“Ở Việt Nam thường có câu, ‘Cây đa dựa thần, thần dựa cây đa’. Chính các bạn, các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp sẽ là tiền đề quan trọng để đất nước phát triển như các tiêu chí mà chúng ta đã đưa ra hôm nay”, Thủ tướng nói và khẳng định các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, các địa phương trong cả nước sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới theo định hướng mà Đảng, Nhà nước đã đề ra với những nhiệm vụ chính như cải cách hành chính tốt hơn nữa. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiếp tục có các biện pháp giảm chi phí kinh doanh, bảo vệ các lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Để thực hiện điều đó, ngoài những nỗ lực của bộ máy hành chính, Chính phủ rất cần sự hỗ trợ, đóng góp công sức, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân trên tinh thần chia sẻ công–tư.
Thủ tướng tin tưởng rằng Hội doanh nhân trẻ Việt Nam dưới sự định hướng của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai định kỳ những chương trình hoạt động, tham mưu, tư vấn, khuyến khích với Chính phủ và những cơ quan liên quan trong các vấn đề kinh tế cũng như trong chính sách khác.