Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sang thăm chính thức Việt Nam, bắt đầu từ ngày 6/4.
Trước khi lên đường sang Việt Nam, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã trả lời báo giới Việt Nam thường trú tại Nga những vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước và chuyến thăm lần này.
Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết: “Các bạn biết là tôi luôn vui mừng khi được tới thăm đất nước các bạn, bởi vì trong thời gian tôi có thể chứng kiến sự phát triển của Việt Nam, đất nước các bạn đã có rất nhiều đổi thay. Kể từ lần đầu tiên đặt chân tới đất nước các bạn trong thành phần phái đoàn chính thức (khoảng 12-13 năm về trước) ngay từ khi ấy tôi đã nhận thấy trong nền kinh tế Việt Nam có một động lực phát triển, hay như bây giờ vẫn nói là một “sức đẩy” trong sự phát triển, điều này rất thú vị.
Thủ tướng Nga, ông Dmitry Medvedev |
Tôi chăm chú quan sát những thành quả của các bạn và phải nói rằng những thành quả đó rất ấn tượng. Thấy rõ nền công nghiệp, nông nghiệp phát triển như thế nào, đời sống thường nhật thay đổi thế nào, người dân sống ra sao. Có lẽ đây mới là điều chủ yếu, bởi vì chẳng phải giấu diếm gì việc hai nước chúng ta từ 20-30 năm trước đã không được xếp vào danh sách các nước giàu có nhất, ý tôi nói đến cả Việt Nam cũng như Liên Xô. Bây giờ các bạn có được thành công hiển hiện như vậy, chúng tôi rất phấn khởi.
Còn có một mặt khác nữa. Bên cạnh một đất nước Việt Nam hiện đại, năng động, phát triển nhanh, đất nước đang dần trở thành một trong những quốc gia hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, còn có một Việt Nam cổ kính, với lịch sử và nền văn hóa đặc biệt của riêng mình. Việt Nam quả thực rất thu hút chúng tôi.
Xem thêm:
1. Nga: Việt Nam là 'cửa ngõ' của ASEAN và Đông Á
2. Thủ tướng New Zealand: Việt Nam là một đối tác rất giá trị của New Zealand
3. Báo Úc: Việt Nam là đối tác thương mại tiềm năng nhất của Úc tại Đông Nam Á
Chính vì lẽ đó nên tôi luôn cảm thấy rất thú vị khi ngắm nhìn những di tích lịch sử và văn hóa, ngắm những bố cục, những cảnh sắc có thể nói là nét điển hình của Việt Nam, cố gắng không chỉ nhìn ngắm mà thậm chí nếu có thể còn chụp ảnh lưu lại. Tôi sẽ rất vui nếu có cơ hội làm điều đó trong chuyến thăm sắp tới.
Và cuối cùng là một điều tôi không thể không nói đến một lần nữa. Chúng ta có mối quan hệ thật sự rất chân tình, điều này là sự thật. Tôi đã có lần chia sẻ cảm tưởng của mình về kỷ niệm lần đầu tiên làm quen với các bạn Việt Nam, với những người đồng chí hồi xưa từng làm việc ở Leningrad, trong đó có trường đại học nơi cha tôi giảng dạy. Từ bấy đến nay thật sự không có gì thay đổi. Tất thảy mỗi cuộc gặp gỡ như vậy đều là cuộc gặp gỡ của những người bạn hết sức nhân hậu, cuộc gặp gỡ làm nảy sinh biết bao xúc cảm tuyệt vời. Tôi tin chắc rằng sắp tới cũng sẽ như vậy.”
Những dấu mốc chính trong quan hệ Việt Nam – Liên Bang Nga
Quan hệ Việt - Xô đã chính thức được thiết lập vào 30/1/1950 khi Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết mở đại sứ quán tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Quan hệ Việt Nam và Liên Bang Nga |
Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Nga đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị.
Tháng 8/1998 Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thăm chính thức Liên bang Nga. Hai bên đã khẳng định sự mong muốn phát triển quan hệ song phương và đã ký Tuyên bố chung Nga-Việt.
Tháng 9/2000 Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Nga, ký các hiệp định liên Chính phủ về giải quyết nợ của Việt Nam vay trước đây trước Nga, về hợp tác liên khu vực...
Tháng 3/2001, Việt Nam và LB Nga đã xác lập mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin. LB Nga là nước đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Ông Vladimir Putin trong lễ đón chính thức tại Việt Nam, 2006 |
Từ 28/2 đến 2/3/2001 đã diễn ra chuyến thăm chính thức Hà Nội của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, nghị định thư liên chính phủ về việc rà soát cơ sở điều ước-pháp lý và hiệu lực các hiệp ước và hiệp định song phương, và các văn kiện ngành khác.
Từ 26 đến 28/3/2002 Chủ tịch Chính phủ Liên bang Nga M. M. Kasiyanov thăm chính thức Hà Nội, hội đàm với Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Năm 2007, Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp của nhau thâm nhập thị trường. Gần 5% con số chính thức người Việt tại Nga là sinh viên theo học bằng học bổng của chính phủ Nga.
Đến nay, Việt Nam và Liên Bang Nga vẫn duy trì các mối quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tốt đẹp.
Trang Ly (T/h)