Sáng 18/7, tại Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018. Với chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số", đây là lần thứ 8 Vietnam ICT Summit được tổ chức.
Diễn đàn có sự tham dự của trên 650 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đại diện các viện nghiên cứu, đại sứ, tham tán thương mại của 12 quốc gia tại Việt Nam và các đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trong và ngoài nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Vietnam ICT Summit 2018.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử của Việt Nam
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số" của diễn đàn năm nay có liên quan mật thiết đến nhiệm vụ Chính phủ điện tử, là một trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2018-2020.
“Đây là chủ đề mà chúng ta đã quan tâm từ lâu và phải bắt tay vào ngay để phù hợp với xu hướng hội nhập, góp phần nâng cao chất lượng điều hành Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hoá, tự động hoá và tin học hoá sang kỷ nguyên của số hoá, thông minh hoá và trí tuệ nhân tạo. Những thành tựu khoa học công nghệ tạo nên kỷ nguyên mới tác động vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh của sản xuất kinh doanh, từ sản phẩm, xu hướng thị trường, tiêu dùng, kỹ năng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị cho đến sự vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu và tác động cả tới sự tương tác giữa thị trường và nhà nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, CMCN 4.0 đã tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống, chẳng hạn như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào, hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu một chiếc xe nào, hãng khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu một phòng nghỉ nào…
Điều đó đã và đang góp phần định hình nền một thời đại kinh tế mới thời đại của kinh tế số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Theo Thủ tướng, chúng ta cần thảo luận để tạo ra nhận thức chung sâu sắc hơn về các đặc trưng cơ bản của kinh tế số, như đặc trưng về tính chia sẻ, về giá trị gia tăng của nền tảng ứng dụng công nghệ số, những đặc tính của sản phẩm khi có mức giá trị, quy mô và tính cá biệt, khả năng truy xuất nguồn gốc, phương thức phân phối ra thị trường…
Từ đó, chúng ta sẽ lựa chọn được hướng đi phù hợp, phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong phát triển nền kinh tế số.
CMCN 4.0 đã mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại, thời đại số và dự báo sẽ tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết Chính phủ phải đổi mới, chuyển đổi thành Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ khả năng, đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.
Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do ứng dụng CNTT, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại 4.0.
Việt Nam đã phát triển Chính phủ điện tử từ những năm 2000
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã bắt tay xây dựng Chính phủ điện tử ngay từ những năm 2000, gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách thủ tục hành chính. Điều này đã mang đến những kết quả tích cực, nhưng tốc độ còn rất chậm, kết quả còn rất hạn chế.
Chính vì vậy, Thủ tướng nhắc nhở các hiệp hội cần có trách nhiệm nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tiễn xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Từ đó, chứng minh việc ứng dụng CNTT, công nghệ số tạo ra phương thức mới trong hoạt động quản trị quốc gia của Chính phủ, và là cách tốt nhất để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn thông qua việc tạo thuận lợi và bình đẳng hơn cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các cơ hội.
Đây cũng là phương thức hữu hiệu nhất để tăng cường công khai, minh bạch, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của chính quyền các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động của Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã tiến 10 bậc theo đánh giá của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ khiêm tốn xếp ở vị trí thứ 6 trong ASEAN.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới nhiều tồn tại và bất cập trong việc triển khai Chính phủ điện tử như cơ sở pháp lý chưa toàn diện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng thông tin có mức độ an toàn thấp, cơ chế đầu tư cho CNTT còn bất cập, tốc độ xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia làm nền tảng chậm, các hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối thông suốt, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn thủ công, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 còn hạn chế.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng nền kinh tế số Việt Nam theo 3 trụ cột chính là hạ tầng số, tài nguyên số và chính sách chuyển đổi số.
Trong đó, hạ tầng số bao gồm hạ tầng cứng là mạng lưới viễn thông nắm vai trò nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu, tác động lên mô hình kinh tế. Tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở, có ích cho việc dự báo kịp thời trước khi ra quyết định. Chính sách chuyển đổi số bao gồm chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư cho dân số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.
Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng khẳng định: “Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy, nghĩ lớn, nghĩ tổng thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”
“Trong đó, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai Chính phủ điện tử và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện 5 nhiệm vụ gồm:
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; Đảm bảo yếu tố con người, chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0; Tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dồn sức để có nguồn lực phát triển trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong tiến hành việc thu nạp cả nguồn lực tài chính và con người. Cuối cùng là nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số.