Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn phù hợp, hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
Tối 8/1, phát biểu tại lễ tuyên dương các học sinh trung học phổ thông đạt giải Olympic quốc tế 2020, Thủ tướng nhấn mạnh việc quan tâm đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn phù hợp, hiệu quả để ngày càng đào tạo được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cũng như phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho tương lai đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ tuyên dương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ tuyên dương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành và 20 học sinh xuất sắc đạt huy chương Olympic quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện truyền thống hiếu học, trọng dụng nhân tài. Ngay từ năm 1076, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nền giáo dục và sự hiếu học của dân tộc Việt Nam luôn luôn được đề cao và vun đắp với minh chứng bởi 82 văn bia tiến sĩ tại Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Đặc biệt vào năm 1484, nơi đây khắc ghi câu văn nổi tiếng của Thân Nhân Trung: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp.

Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa chẳng có đời nào mà không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bồi đắp thêm nguyên khí. Trong chiếu lập học, Hoàng đế Quang Trung có viết: “Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên. Cầu trị dĩ nhân tài vi cấp”, có nghĩa là dựng nước lấy việc học làm đầu, cầu trị lấy nhân tài làm gấp.

Có thể nói, trong bất cứ vùng, miền nào, bất cứ giai đoạn lịch sử nào của đất nước, chúng ta đều có những dòng họ, gia đình khoa bảng, gia đình có con cái học giỏi và thành đạt, nổi tiếng về sự hiếu học, làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước như Nguyễn Trãi từng viết: “Hào kiệt đời nào cũng có”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của giáo dục đối với sự phát triển và hưng thịnh của đất nước. Người đặt trọn niềm tin, hy vọng vào thế hệ trẻ để kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của cha ông bằng sự nỗ lực phấn đấu học tập của mình, mở ra tương lai tươi sáng, giàu đẹp cho đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, nhận thức được vai trò và ý nghĩa của giáo dục và đào tạo, xuyên suốt qua nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều hội nghị Trung ương, quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” không hề thay đổi.

Chẳng hạn Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII năm 1993 khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Gần đây Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI một lần nữa khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân ta.

Đặc biệt từ thực tiễn đổi mới và những nút thắt phát triển nảy sinh, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về nguồn nhân lực. Tiếp nối những tinh thần trên, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII sắp khai mạc tới đây đặt yêu cầu xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Thủ tướng nhìn nhận, trong những năm qua, chất lượng giáo dục các cấp đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế; trong đó, tiêu chí về kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển... Đến nay, Việt Nam có 4 trường đại học nằm trong tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong tốp các trường đại học hàng đầu châu Á; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.

Thành tích từ các trường chuyên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn phù hợp, hiệu quả ảnh 1
Thủ tướng trao Huân chương Lao động các hạng cho các em học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng bày tỏ xúc động khi được biết trong số học sinh đoạt giải lần này, nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng đã nỗ lực vượt khó vươn lên để giành thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Olympic. “Các cháu thật sự xứng đáng là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục, mang về niềm vinh dự, tự hào cho gia đình, nhà trường và đất nước”, Thủ tướng đánh giá. Những thành tích này đã góp phần làm rạng danh cho đất nước và dân tộc chúng ta, minh chứng thêm rằng người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự phát triển và trường tồn.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các thế hệ thầy giáo, cô giáo giảng dạy tại các trường chuyên trong cả nước trong nhiều thập niên đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Hàng trăm tấm huy chương mà các học sinh mang về cho Tổ quốc, hàng ngàn nhà khoa học tài năng của Việt Nam nguyên là học sinh của các trường chuyên đang làm việc trong và ngoài nước chính là sự ghi nhận thành tích của các trường, các thầy giáo, cô giáo trong gần 50 năm qua.

Đất nước chúng ta đang đứng trước nhiều vận hội lớn để hiện thực hóa khát vọng dân tộc. Đặc biệt thế giới nói nhiều về thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là sự phát triển một loạt các công nghệ mới, kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số và sinh học, tác động sâu rộng đến tất cả các nền kinh tế, ảnh hưởng đến từng ngành công nghiệp, thậm chí thách thức những ý tưởng lớn và những điều có ý nghĩa đối với con người.

Quốc gia nào có khả năng nắm bắt được các thành tựu, các xu hướng mới mở ra thì sẽ thành công, nhờ đó sẽ rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Thủ tướng cho rằng, khả năng nắm bắt thành tựu của cách mạng công nghiệp xét cho cùng là tùy thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực hay chất lượng vốn con người.

Để hiện thực hóa được sứ mệnh lớn lao đó, ngành giáo dục và đào tạo phải có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.

Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục tập trung khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân để lập nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Trước mắt chúng ta là những nhiệm vụ nặng nề và yêu cầu to lớn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những thách thức và cơ hội to lớn đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đồng tâm hiệp lực, phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của dân tộc, động viên và tạo mọi thuận lợi cho mỗi học sinh, sinh viên, từng gia đình, từng dòng họ, từng cộng đồng dân cư và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Quan tâm đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn phù hợp, hiệu quả để ngày càng đào tạo được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cũng như phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho tương lai đất nước.

Vì một Việt Nam vững bước tiến cùng thời đại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn phù hợp, hiệu quả ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho em Bùi Hồng Đức, học sinh lớp 12 Trường trung chuyên khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Các cháu học sinh, sinh viên thân mến, những thành tích mà các cháu đạt được vừa qua là vô cùng đáng quý và đáng tự hào. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đầu đầy ý nghĩa trên hành trình tiếp cận khoa học và cuộc sống của mỗi người”, Thủ tướng chia sẻ.

Dù học đại học trong nước hay nước ngoài, các cháu vẫn cần tiếp tục nỗ lực vươn lên mạnh mẽ với những đam mê, khát khao cháy bỏng trong

học tập và nghiên cứu khoa học để hoàn thiện bản thân, theo đuổi sự nghiệp mà mình yêu thích, phấn đấu sau này trở thành những người có ích cho đất nước, cho xã hội.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn: Các cháu hãy thực hiện thật tốt những lời Bác Hồ dạy, tiếp tục phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân, tự khẳng định mình, để lập thân, lập nghiệp và cống hiến thật nhiều cho đất nước, cho quê hương, cùng nhau hướng đến tương lai vì một Việt Nam vững bước tiến cùng thời đại, vững bước tiến tới “đài vinh quang” và cùng “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn có những chính sách phù hợp để khuyến khích, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ phát huy hết trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo nhằm cống hiến phụng sự Tổ quốc Việt Nam.

Thủ tướng tin tưởng rằng cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục đưa nền giáo dục Việt Nam tiến lên tầm cao mới, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, 100% học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2020 của Việt Nam đều đoạt giải với 9 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 5 huy chương đồng và 2 bằng khen. Tất cả các đoàn dự thi đều có thí sinh đạt Huy chương vàng.

Trong 5 năm qua, từ năm 2016 đến nay đã có 174 lượt học sinh Việt Nam được cử đi dự thi các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Kết quả, các em học sinh Việt Nam đã đoạt 170 huy chương và bằng khen, trong đó có 54 huy chương vàng, 68 huy chương bạc, 40 huy chương đồng và 8 bằng khen quốc tế, tăng gấp đôi số huy chương vàng so với giai đoạn 2011-2015.

Năm 2017, các đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế đã đạt thành tích cao nhất so với các năm trước với 14 huy chương vàng. Một số thí sinh đã nỗ lực vượt bậc để đạt được kết quả rất đáng tự hào. Đó là em Nguyễn Phương Thảo, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đoạt huy chương vàng đồng thời đạt điểm cao nhất tại Olympic Sinh học quốc tế năm 2018. Em Trần Bá Tân, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội,-Amsterdam, TP. Hà Nội đạt 95,47/100 điểm, là thí sinh đạt điểm cao thứ tư của kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2019 và được trao giải cho thí sinh có điểm thi thực hành xuất sắc nhất với điểm tuyệt đối 40/40. Đây là lần đầu tiên thí sinh Việt Nam đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động các hạng tặng các học sinh đạt kết quả cao tại kỳ thi Olympic quốc tế.

Theo Chính phủ
Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.