Phát biểu tại cuộc họp của nhóm đặc trách ngày 10/11, Thủ tướng Suga nhấn mạnh Chính phủ cần ứng phó với tình hình hiện nay với mức độ khẩn trương cao nhất. Ông yêu cầu các thành viên của nhóm đặc trách làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự lây lan của virus nguy hiểm này trước khi mùa đông đến, trong khi vẫn đảm bảo duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đài truyền hình NHK dẫn lời Thủ tướng Suga cho biết hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân/số giường bệnh có sẵn ở các bệnh viện vẫn ở mức khoảng 30% ngay cả ở những tỉnh có số ca nhiễm mới đang tăng. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ nỗ lực kiểm soát virus dựa trên kinh nghiệm trước đây nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.
Theo Thủ tướng Suga, Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm phòng ngừa các cụm lây nhiễm trên cơ sở những hướng dẫn về tình huống khẩn cấp mà nhóm chuyên gia y tế đã công bố một ngày trước đó. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tăng cường nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các tình huống có rủi ro lây nhiễm cao để người dân phòng ngừa tốt hơn trước virus.
Cũng trong ngày 10/11, phát biểu tại một phiên họp của Hạ viện, Thủ tướng Suga tái khẳng định cam kết đảm bảo đủ vaccine phòng dịch COVID-19 cho toàn bộ người dân trong nửa đầu năm 2021. Cho đến thời điểm này, Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 120 triệu liều vaccine của Pfizer Inc. (Mỹ); 120 triệu liều của hãng dược phẩm AstraZeneca Plc (Anh) và 50 triệu liều vaccine của công ty công nghệ sinh học Moderna Inc. (Mỹ).
Quốc hội Nhật Bản đang bắt đầu thảo luận về dự luật tạo điều kiện cho việc tiêm phòng vaccine, trong đó có các điều khoản liên quan việc chính phủ chi trả tất cả chi phí và chịu trách nhiệm về các tác dụng phụ không lường trước của vaccine. Thủ tướng Suga cho biết mặc dù dự luật quy định người dân có nghĩa vụ “nỗ lực” tiêm phòng vaccine nhưng việc tiêm phòng sẽ không mang tính chất bắt buộc, và sẽ không có sự phân biệt đối xử với những người lựa chọn không tiêm phòng vaccine.
Trong một diễn biến khác, Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu (NCGM) của Nhật Bản đã thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 bằng huyết tương của những người bệnh đã bình phục. Theo Tiến sĩ Satoshi Kutsuna, các chuyên gia đã lấy huyết tương từ 97 bệnh nhân bình phục và sử dụng cho 6 nam bệnh nhân ở độ tuổi từ 30 đến 60. Các huyết tương này chứa kháng thể có thể giúp bệnh nhân COVID-19 chống lại virus SARS-CoV-2. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào trong số những bệnh nhân trên có triệu chứng bất thường sau khi tiếp nhận huyết tương.
Theo Tiến sĩ Kutsuna, NCGM dự định sẽ áp dụng liệu pháp truyền huyết tương cho khoảng 60 bệnh nhân mắc COVID-19 ở thể trung bình hoặc nghiêm trọng và đang gặp khó khăn trong quá trình hô hấp, để xác định mức độ an toàn và hiệu quả của phương pháp chữa trị này.