Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân đến Việt Nam vào 18/10

Lãnh đạo Nhật Bản và phu nhân sẽ đến Hà Nội vào 18/10, thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam đến 20/10, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Suga. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Suga. Ảnh: Reuters

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Suga dự kiến diễn ra vào sáng 19/10. Sau đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Nhật sẽ cùng hội đàm, chứng kiến ký kết văn kiện và gặp gỡ báo chí.

Theo lịch trình, ông Suga sẽ chào Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tiếp xã giao Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt - Nhật Phạm Minh Chính.

Các hoạt động khác của chuyến thăm gồm gặp gỡ nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Việt - Nhật, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Nhà sàn, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tiệc chiêu đãi được tổ chức vào tối cùng ngày. Hôm sau, ông Suga sẽ rời Việt Nam đến Indonesia.

Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Suga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm qua cho biết chuyến thăm của ông Suga diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Nhật đang phát triển tốt đẹp, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Qua chuyến thăm, Thủ tướng Nhật muốn tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam, trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, đang duy trì khuôn khổ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á được thiết lập từ tháng 3/2014.

Tính đến tháng 9/2020, Nhật có gần 4.600 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 60 tỷ USD, đứng thứ hai trong 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm nay, Nhật có 209 dự án mới, 100 dự án tăng vốn và 448 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 1,73 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về ODA, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay đến cuối năm ngoái là 2.578 tỷ Yen (gần 24 tỷ USD), chiếm hơn 26 % tổng vốn ký kết vay nước ngoài của chính phủ.

Hợp tác hai bên từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều trong 9 tháng đầu năm đạt 28,6 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ 2019. Lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 200.000 người, đứng thứ 4 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga), giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng Suga sinh năm 1948, Tốt nghiệp Khoa Luật, Trường Đại học Hosei. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị năm 1975, từng là thư ký cho một hạ nghị sĩ, sau đó là Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản dưới thời chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe. Ngày 16/9, ông trở thành Thủ tướng Nhật sau cuộc bỏ phiếu tại quốc hội, thay ông Abe, người từ nhiệm vì vấn đề sức khoẻ.

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.