Thủ tướng Singapore kêu gọi ASEAN và các đối tác then chốt tăng cường hợp tác kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi các nước ASEAN và các đối tác then chốt cần tăng cường hợp tác kinh tế và duy trì sự kết nối để phục hồi sau dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: TTXVN

Nhật báo The Straits Times (Singapore) số ra ngày 13/11 cho biết tại các hội nghị cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ diễn ra trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam - nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi các nước ASEAN và các đối tác then chốt cần tăng cường hợp tác kinh tế và duy trì sự kết nối để phục hồi sau dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19.

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn báo trên cho biết tại các hội nghị, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhấn mạnh việc ký kết hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ phản ánh cam kết của khối tăng cường hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định ASEAN và Trung Quốc đã làm việc cùng nhau để duy trì các chuỗi cung ứng, qua đó hỗ trợ cho các nỗ lực của khu vực nhằm kiểm soát dịch bệnh, cũng như tăng cường khả năng chống đỡ của các nền kinh tế và đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Ông hoan nghênh cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa vaccine trở thành hàng hóa công và ưu tiên cho nhu cầu của khu vực, cũng như sự tham gia của Trung Quốc vào Cơ chế tiếp cận toàn cầu COVAX - do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vaccine toàn cầu GAVI cùng chịu trách nhiệm. Ông coi đây là sự phán ánh mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và ASEAN.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc, Thủ tướng Singapore khẳng định việc tăng cường hợp tác kinh tế sẽ giúp các nước nhanh chóng phục hồi. Theo ông, việc cập nhật Khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp đối phó với tác động của dịch bệnh và tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng hơn. Bên cạnh đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nêu bật sự cần thiết phải duy trì mở cửa và kết nối các chuỗi cung ứng để các dòng chảy thương mại - trong đó có các nguồn cung thiết yếu như lương thực và trang thiết bị y tế - không bị cản trở.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh các quốc gia đối tác như Nhật Bản đã có đóng góp cho những sáng kiến COVID-19 của ASEAN thông qua sự can dự liên tục và các hiệp định kinh tế. Ông cũng bày tỏ cám ơn Nhật Bản đã đóng vai trò lớn trong việc đưa RCEP đến giai đoạn “đơm hoa kết trái”.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Singapore nêu rõ: “Chúng tôi hiểu được quyết định của Ấn Độ không ký RCEP tại thời điểm này. Tuy nhiên, Singapore luôn sẵn sàng chào đón Ấn Độ gia nhập RCEP bất cứ khi nào New Delhi sẵn sàng". Ngoài ra, ông khẳng định tầm quan trọng của việc ASEAN tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, trong đó có việc nghiên cứu và phát triển vaccine và các phương pháp điều trị COVID-19.

Ông cũng lưu ý Ấn Độ là bên đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu và có chuyên môn sâu về công nghệ và y sinh.

Cùng ngày, tờ The Nation của Thái Lan đưa tin Bộ Thương mại Thái Lan đã xác nhận nước này sẽ ký RCEP tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đang diễn ra trong tuần này.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit dự kiến sẽ ký RCEP vào ngày 15/11 tại một cuộc họp trực tuyến các nước ASEAN và các nước đối tác.
Các nước tham gia đàm phán RCEP đã nhất trí các điều khoản của hiệp định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra hồi tháng 11/2019, mở đường cho hiệp định được ký kết trong năm nay.

Ấn Độ đã rút khỏi đàm phán năm ngoái, lo ngại việc xóa bỏ thuế quan sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu tràn ngập thị trường nước này, theo đó có thể làm tổn hại các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các nước còn lại khẳng định vẫn chào đón New Delhi tham gia hiệp định.

Một khi được ký kết, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 nền kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương, chiếm 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Các nước thành viên sẽ có thời gian 2 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận để xây dựng chi tiết các điều khoản trước khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực.

Theo Bnews
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.