Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại Bắc Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với đợt mưa lớn diễn ra từ chiều tối 2-4/7 tại khu vực Bắc Bộ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 2/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 2/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn.

Công điện dẫn dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ chiều tối 2-4/7/2024, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80 mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa trên 80mm; thượng lưu các sông Đà, sông Thao, sông Lô khả năng xuất hiện một đợt nước lên. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hiện nay đã là thời kỳ cao điểm mưa lũ ở Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, tập trung một số nhiệm vụ sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Chỉ đạo cơ quan truyền thông ở địa phương tăng cường truyền thông, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.

Tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Phối hợp với cơ quan có liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo quy định, hạn chế tối đa thiệt hại.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống; chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó mưa lũ theo quy định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao, phối hợp với địa phương chỉ đạo vận hành hiệu quả, bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo phối hợp với địa phương chỉ đạo bảo đảm an toàn giao thông, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo quy định.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
(Ngày Nay) - Tháng 11/2024, hàng loạt các công trình kiến trúc Pháp cổ sẽ được mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ Sáng tạo” do UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức.
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
(Ngày Nay) - Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mỗi cuốn sách bạn đọc được cá nhân hóa hoàn toàn. Hãy hình dung có một trợ lý không chỉ nhớ tất cả những cuốn sách bạn đã đọc, mà còn phân tích sâu sắc sở thích, phản ứng cảm xúc của bạn, và thậm chí sáng tạo ra những câu chuyện độc đáo, chỉ dành riêng cho bạn. Mỗi trang sách, mỗi đoạn văn, trở thành cuộc trò chuyện thân mật giữa bạn và một "người bạn" am hiểu bạn hơn bất kỳ ai….
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chúc mừng các đồng chí được thăng quân hàm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao quyết định thăng quân hàm cho lãnh đạo Công an và Quân đội
(Ngày Nay) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, các đồng chí được thăng cấp bậc hàm, quân hàm Đại tướng, Thượng tướng hôm nay là những sĩ quan ưu tú được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, trao giữ các cương vị, trọng trách quan trọng trong lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Quân đội, Công an...
Ảnh minh hoạ.
Chuyển đổi năng lượng là thách thức lớn trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
(Ngày Nay) - Trong khảo sát mới đây về mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện đối với trên 2.700 doanh nghiệp cho thấy, có tới 44,2% doanh nghiệp có khó khăn trong tìm ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể. Chỉ có 6,3% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không gặp khó khăn gì.