Tham gia sự kiện có đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đây là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp của các địa phương gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp cũng như những chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, du lịch, y tế, giáo dục và dịch vụ hành chính công.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số là một hành trình, không phải là đích đến và trên hành trình đó có nhiều khó khăn, thử thách.
Chuyển đổi số phải đạt được các mục tiêu chính là chính quyền số làm cho người dân tin theo Đảng và chính quyền nhiều hơn, kinh tế số làm cho người dân giàu hơn và xã hội số làm cho người dân hạnh phúc hơn.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021 là năm đầu tiên ngành thực hiện chiến lược quốc gia về hạ tầng số, chiến lược hạ tầng bưu chính, chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chiến lược Chính phủ số, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội số, chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia, chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế cần lựa chọn mục tiêu đột phá phù hợp để thực hiện trong năm 2021 như hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4, đi kèm với việc đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ lên 50%, tỷ lệ hồ sơ xử lý hoàn toàn trực tuyến lên trên 50%.
Đây là những mục tiêu thách thức nhưng khi làm được sẽ hoàn thành chỉ tiêu cơ bản của Chính phủ điện tử. Đồng thời, Thừa Thiên – Huế cần kết nối thử nghiệm, tiến tới khai thác hai cơ sở dữ liệu lớn quốc gia gồm dữ liệu về dân cư và đất đai; triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên – Huế cần tập trung vào một số mục tiêu đột phá như: mỗi người dân sẽ có một danh tính số trên không gian mạng; dịch vụ y tế số hướng đến mỗi người dân có sự tư vấn, chăm sóc sức khỏe kịp thời của bác sĩ; giáo dục số để san lấp khoảng cách phát triển và du lịch số để khai thác tiềm năng đặc thù của địa phương.
Hàng năm, Thừa Thiên – Huế cần đưa ra những vấn đề để đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số tham gia giải quyết và thời gian tới, tỉnh cần trở thành điểm đến của các sự kiện chuyển đổi số lớn của quốc gia và thế giới.
Những năm gần đây, Thừa Thiên – Huế là điểm sáng trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử. Đây là những nền tảng cơ bản để thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo ra thay đổi trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính của tỉnh Thừa Thiên – Huế đều đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.296 dịch vụ; 976 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.Trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2021 sẽ có nhiều diễn đàn chuyên sâu về các chủ đề như: chuyển đổi số trong ngành du lịch, thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao…