Là tác giả chính của cuốn sách, TS. Phạm Quốc Lộc, Hiệu trưởng trường ĐH Thái Bình Dương cho biết cuốn sách là một khảo sát rất sơ khởi, mang tính thăm dò về một số nét lớn trong cách các doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc. Bên cạnh những thông tin về thực tiễn ở Việt Nam, quyển sách cũng lồng ghép các lý thuyết, các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới ở một số nơi trên thế giới nhằm góp phần làm phong phú thêm cách đại chúng hiểu và thảo luận về vấn đề bình đẳng giới nói chung.
"Sở dĩ gọi cuốn sách là nghiên cứu thăm dò vì chúng tôi tập trung bóc tách một vài câu chuyện nổi lên về bình đẳng giới ở Việt Nam; những câu chuyện sẽ gợi mở thêm những thảo luận, tạo ra cơ hội đối thoại. Ví dụ, trong phần đề cập đến thúc đẩy bình đẳng giới, chúng tôi chỉ ra sự khác nhau giữa hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam so với những doanh nghiệp trong nước", ông Lộc cho biết.
Những năm gần đây, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ ở nơi làm việc là một trong những khía cạnh nhận được sự quan tâm lớn từ phía xã hội. Bởi định kiến, khuôn mẫu giới đang tồn tại đã và không chỉ cản trở bước tiến của những người phụ nữ trong môi trường lao động mà nghiên trọng hơn, sự thiếu vắng "một nửa thế giới" ở các lĩnh vực công nghệ, khoa học cũng làm mất đi tính đa dạng trong giải quyết vấn đề, thất thoát nguồn nhân lực chiếm số đông trong xã hội.
Làm rõ thêm vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) chia sẻ: "Nút thắt lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là nhận thức về bình đẳng giới với mỗi cá nhân và sự cam kết thúc đẩy bình đẳng giới của chủ doanh nghiệp. Cách tiếp cận trước đây của các nhà hoạt động, tổ chức xã hội, vô hình trung tạo ra định kiến thúc đẩy bình đẳng giới là gây ra sự cạnh tranh giữa hai phe nam và nam Cách tiếp cận bình đẳng giới luôn làm cho chủ doanh nghiệp cảm thấy họ cần phải tăng thêm thời gian, thêm chi phí, sau khi đại dịch diễn ra họ đang rất khó khăn.
Trong cương vị Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam bà Nguyễn Thị Minh Hương, nhận định: "Với cuốn sách Bình đẳng giới tại nơi làm việc: những câu chuyện và giải pháp trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới, nhóm nghiên cứu đứng đầu là TS. Phạm Quốc Lộc và Th.s Lê Quang Bình đã trình bày nhiều kết quả lý thú và hữu dụng, rất đáng quan tâm khi chúng ta đã xác định phải gia tăng giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế với nguồn lực từ phía những người phụ nữ".
Dự án nghiên cứu và cuốn sách cũng nằm trong khuôn khổ của chương trình Investing in Women, một sáng kiến của chính phủ Úc. Những năm qua, chính phủ Úc có nhiều hợp tác và hỗ trợ cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới.
Xuất hiện tại buổi giới thiệu sách, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết: "Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Australia. Hiện thực hóa tiềm năng đầy đủ của phụ nữ khi tham gia vào nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và sự sẵn sàng trong tương lai của các nền kinh tế trên thế giới".
Nhiều bằng chứng cho thấy khi các doanh nghiệp thúc đẩy và đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, danh tiếng, khả năng thu hút và giữu chân nhân tài của tổ chức. Từ đây, có thể nhấn mạnh vào khía cạnh thúc đẩy năng suất quốc gia và tăng trưởng kinh tế của vấn đề này.
Cuốn sách thuộc mảng sách Nghiên cứu của Tủ sách Phụ nữ tùng thư giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn đối với các lập luận về sự cần thiết phải thực hiện bình đẳng giới trong doanh nghiệp, sự chuyển dịch các lập luận về sự cần thiết phải thực hiện bình đẳng giới trong doanh nghiệp, sự chuyển dịch các lập luận này từ quốc tế vào môi trường văn hóa Việt Nam.
Lý giải về quyết định hợp tác với ECUE để xuất bản cuốn sách Bình đẳng giới tại nơi làm việc, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ Nữ chia sẻ cuốn sách là công trình nghiên cứu có chất lượng. Hy vọng các doanh nghiệp, các nhà làm chinh sách, các nhà hoạt động vì bình đẳng giới, các cơ sở đào tạo chuyên ngành Giới... ở Việt Nam sẽ quan tâm, sử dụng các kết quả nghiên cứu và các khuyến khích để điều chỉnh các chính sách, các hoạt động thực hành bình đẳng giới đạt hiệu quả cao nhất.