Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc

Đây là lần thứ hai kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị này nhằm đánh giá tình hình nguyên nhân, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên và đánh giá tình hình triển khai hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; đại diện các bộ, ngành như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính…; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ và đại diện lãnh đạo 7 tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Điểm sáng của thương mại Việt – Trung

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này đã mang lại cho hai nước có lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Trong nhiều năm vừa qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, đã có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Các hoạt động về kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động thương mại biên giới nói riêng sôi động trở lại, nhiều cửa khẩu hoạt động trở lại như trước khi có đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan tốt hơn và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng. Kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên cũng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là không khí sống hòa thuận giữa các dân tộc của hai đất nước, hai địa phương thân thiện hơn. Một số dự án đầu tư đã được triển khai ở khu vực này, kể cả đầu tư trong nước cũng như đầu tư của nước ngoài tại khu vực.

Chính vì vậy, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các địa phương cũng như các bộ, ngành thảo luận, đề xuất những giải pháp để tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước nói chung, đặc biệt giữa các địa phương có chung đường biên giới với nhau.

Tại Hội nghị, đại diện 7 địa phương biên giới phía Bắc với Trung Quốc như Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã chia sẻ những kết quả đạt được về tình hình thương mại, đầu tư tại các địa phương ở khu vực vùng biên; tồn tại, hạn chế và phương hướng, nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.

Đại diện các bộ/ngành có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương cũng giải đáp những kiến nghị liên quan đến vấn đề mở, nâng cấp, công nhận cửa khẩu; kiểm dịch động thực vật tại các cửa khẩu đường mòn, lối mở; mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc…

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, bộ/ngành, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc thì việc nhập khẩu hàng hóa từ phía Trung Quốc rất quan trọng vì liên quan đến nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi giao thương thông thoáng cả xuất khẩu và nhập khẩu; quan tâm đến cơ sở hạ tầng; cơ cấu lại thương mại biên giới và tập trung triển khai một số hoạt động phục vụ cho chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị

6 nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt giữa các địa phương của hai nước có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã có những khởi sắc, quan hệ hợp tác và phối hợp cộng tác giữa hai bên tiếp tục được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Tư lệnh ngành Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quan hệ kinh tế, thương mại, nhất là thương mại biên giới. Đó là trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định; hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu cũng mới chỉ mang tính thí điểm, chưa phải phổ biến các cửa khẩu…

Để thực hiện mục tiêu của Lãnh đạo Cấp cao hai nước đặt ra, cụ thể là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhất là hợp tác kinh tế và thương mại khu vực biên giới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của Lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới.

Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ lớn, và đây cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho ngành sản xuất của Việt Nam để xuất khẩu. Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và kịp thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước có những chủ trương, giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém liên quan.

Bên cạnh đó, quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao nhằm thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là kinh tế, thương mại biên giới.

Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc nói chung, hợp tác kinh tế - thương mại khu vực biên giới nói riêng để tìm ra nguyên nhân, giải pháp thiết thực, tích cực và khả thi.

Các bộ, ngành cần tập trung rà soát sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các nghị định, thông tư, các cơ chế chính sách có liên quan và tăng cường giao thiệp với đơn vị đồng cấp nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch sử dụng đất; Quy hoạch, Kế hoạch đầu tư về hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên, nhất là hạ tầng kinh tế - thương mại biên giới, kể cả hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại số. Đặc biệt là hạ tầng thương mại số các tỉnh vùng biên cần phải quan tâm đầu tư.

Các địa phương cần tập trung rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh của mình hướng tới đồng bộ hóa, nhất là vấn đề giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong vùng theo Quy hoạch vùng. Đồng thời xây dựng Kế hoạch và ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại, khu vực biên giới như các chợ, các trung tâm logictics, kho bãi…

Thứ ba, đề nghị các địa phương tiếp tục chú trọng ban giao tốt hơn với phía bạn.

Các bộ, ngành cần tập trung đề xuất Chính phủ, Ban chỉ đạo Vùng Trung du miền núi phía Bắc đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch vùng, trong đó chú trọng Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông đồng bộ có khả năng liên vận quốc tế giữa các tỉnh khu vực biên giới; đồng thời, chú trọng ban hành những cơ chế, chính sách đột phá, đủ mạnh và khả thi nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế thương mại khu vực biên giới.

Thứ tư, đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch.

Các địa phương đều phải triển khai thực hiện tốt Đề án Xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua. Bộ trưởng đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.

Thứ năm, đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tăng cường đàm phán với phía bạn nhằm sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản có thế mạnh của Việt Nam, đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh.

Với Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan, đề nghị tiếp tục phối hợp các tỉnh biên giới trong việc triển khai xây dựng, áp dụng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động thông quan xuất nhập khẩu để nâng năng lực thông qua, đáp ứng được nhu cầu về thương mại biên giới và thực hiện tốt chức năng của mình theo quy định của pháp luật để thuận lợi hóa thương mại khu vực này.

Đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở mới các văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc.

Bộ Giao thông vận tải cần khẩn trương tham mưu xây dựng các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông biên giới, đặc biệt là hệ thống giao thông đồng bộ kết nối có tính liên vận quốc tế.

Đối với Văn phòng Chính phủ, đề nghị tham mưu Chính phủ cho chủ trương để sớm sửa đổi Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 về quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới cho phù hợp với yêu cầu hiện nay; chủ trương về tái khởi động Chương trình hợp tác phát triển kinh tế qua biên giới đối với nước bạn, cũng như các cơ chế, chính sách có liên quan đến việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.

Thứ sáu, đề nghị các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục duy trì cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành và địa phương qua đơn vị chức năng; các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở Trung Quốc. Đây là những “trung tâm” thu phát thông tin rất quan trọng, có thể cung cấp những thông tin về thị trường, về những thay đổi trong cơ chế chính sách của phía bạn và những gợi ý trong phản ứng chính sách của chúng ta để mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia, dân tộc.

Cần phải tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội khu vực vùng biên nói chung, hợp tác kinh tế thương mại khu vực biên giới nói riêng để tạo đồng thuận trong xã hội.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.