\Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Chí Thành cho biết, năm 2024, Viện tiếp tục giữ vai trò là một trong hai đầu mối quốc gia của Mạng An toàn hạt nhân châu Á (ANSN) của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giúp nâng cao năng lực về an toàn hạt nhân.
Viện cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học với 48 nhiệm vụ các cấp, đồng thời, tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng ứng dụng năng lượng nguyên tử, đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng. Việc nghiên cứu khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Viện Năng lượng nguyên tử tiếp tục đầu tư thông qua các đề tài/nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đối với nhóm nghiên cứu uy tín thuộc các lĩnh vực như: vật lý hạt nhân, vật lý nơtron, vật lý lò phản ứng, an toàn hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường, hóa học và sinh học phóng xạ…
Đặc biệt, Viện tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiên cứu và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) trong các nghiên cứu cấu trúc và phản ứng hạt nhân, lĩnh vực an toàn hạt nhân, lĩnh vực nghiên cứu và phân tích số liệu đo quan trắc môi trường và phân tích chuẩn đoán hình ảnh trong lĩnh vực y học hạt nhân; hướng tới đầu tư xây dựng đội ngũ, nhóm nghiên cứu mạnh về mô phỏng tính toán phát tán chất phóng xạ trong môi trường không khí và môi trường nước (biển).
Thời gian tới, Viện Năng lương nguyên tử tiếp tục thúc đẩy ứng dụng, sản xuất, dịch vụ phục vụ các ngành kinh tế - xã hội như: Sản xuất các loại đồng vị và dược chất phóng xạ trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và trên máy gia tốc phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu dược chất phóng xạ; đẩy mạnh dịch vụ chiếu xạ thực phẩm, khử trùng y tế và kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu sử dụng nguồn 60Co và máy gia tốc chùm tia điện tử, nghiên cứu đưa thêm các sản phẩm mới vào chiếu xạ phục vụ xuất khẩu...
Theo Viện trưởng Trần Chí Thành, Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) với lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt có nhiệm vụ quan trọng là phát triển nguồn nhân lực ngành năng lượng hạt nhân, đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Viện tập trung triển khai.
Hiện nay, việc thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và hồ sơ phê duyệt địa điểm (DSA) đang được đàm phán với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) để tiến tới ký kết hợp đồng.
Lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt, dự kiến đặt tại Đồng Nai, tập trung vào các lĩnh vực khoa học vật liệu chiếu xạ, khoa học sinh học, đồng vị phóng xạ, kỹ thuật lò phản ứng, an toàn bức xạ... Việc triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới sẽ góp phần đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.../.
HL
Phạm Thị Thu Hà