"Thung lũng Đồng Vang" kể về nhân vật người ông, người cha, người thầy… luôn dẫn dắt, che chở, khai mở tâm hồn cho con cháu qua những câu chuyện về cuộc sống, chiến tranh, hòa bình để gieo vào tâm hồn con cháu những việc thiện và hành động có ý nghĩa trong cuộc sống.
Các nhân vật trong "Thung lũng Đồng Vang" như ông nội Kiền, dù xuất thân là người từng đi nghĩa vụ ở chiến trường Campuchia, hay như thầy Thức ở miền xuôi lên vùng núi dạy học nhưng có điểm chung là mang tâm hồn yêu thương con trẻ, nhất là các trẻ em vùng cao (nơi có môi trường vật chất thiếu thốn). Nhờ những người ông, người thầy, người cha đi trước chăm lo, bồi dưỡng cho những tâm hồn trẻ thơ trong trẻo ở vùng cao mà các em bé ở đây đã biết sống tốt hơn và yêu thương nhiều hơn.
Những đứa trẻ ở "Thung lũng Đồng Vang" như Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan... sống ở nơi có dòng sông, núi đồi, ruộng bậc thang nhưng vẫn tinh quái, lém lỉnh với nhiều "phi vụ" lớn nhỏ, đầy hài hước của tuổi học trò, để từ đó các em xây dựng được những tình bạn đẹp đẽ, trong sáng.
Tác giả Trung Sỹ cho biết, thông qua tác phẩm, tác giả muốn gieo vào tâm hồn trẻ thơ những tình cảm thiêng liêng, đáng trân trọng trong môi trường nhà trường, gia đình và xã hội như: tình cảm của người lớn dành cho trẻ con, của thầy giáo dành cho với học sinh, tình cảm bạn bè với nhau... Đồng thời, tác phẩm còn giúp người đọc thấy được những giá trị văn hóa độc đáo của người Tày và người Kinh khi cùng sống chung yên bình ở một thôn bản vùng cao. Một nơi có thời tiết thay đổi và khắc nghiệt nhưng lại đầy tình yêu thương.
Tác giả kỳ vọng tác phẩm này sẽ tạo nên làn gió mới trong làng văn học thiếu nhi Việt Nam trong thời gian tới.