Thuốc trị COVID-19 Molnupiravir tạo đột phá nhưng không thể thay thế vaccine

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -Ngày 11/10, hãng dược phẩm Merck đã gửi đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc chữa bệnh COVID-19 Molnupiravir tới Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Thuốc điều trị Molnupiravir được Merck và Ridgeback Biotherapeutics phối hợp phát triển. Ảnh: BBC
Thuốc điều trị Molnupiravir được Merck và Ridgeback Biotherapeutics phối hợp phát triển. Ảnh: BBC

Ngày 11/10, hãng dược phẩm Merck đã gửi đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc chữa bệnh COVID-19 Molnupiravir tới Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).

Thuốc điều trị Molnupiravir được Merck và Ridgeback Biotherapeutics phối hợp phát triển. Nếu được nhà chức trách Mỹ chấp thuận, đây sẽ là loại thuốc uống chữa COVID-19 đầu tiên được cấp phép, hứa hẹn sẽ là công cụ tạo ra thay đổi bước ngoặt trong cuộc chiến chống COVID-19.

Molnupiravir là thuốc kháng virus SARS-CoV-2 dạng uống đang thử nghiệm của hãng Merck. Thuốc được cho là có hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao. Thuốc giúp giảm 50% tỉ lệ số ca bệnh nặng phải nhập viện, hoặc số ca tử vong. Dữ liệu do Merck công bố hồi đầu tháng cho thấy thuốc mang lại hiệu quả ngăn chặn 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở nhóm có nguy cơ bệnh nặng cao nhất mắc COVID-19.

Được nhiều chuyên gia đánh giá là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng theo giới chức quản lý Australia, Molnupiravir không thể thay thế thế vaccine. Chính phủ Australia đặc biệt quan tâm đến đến thuốc điều trị dạng viên này và mới đây đã ký kết thỏa thuận đặt mua 300.000 liều từ Merck.

Giới chức Australia nhìn nhận tiềm năng của Molnupiravir với thái độ lạc quan thận trọng. Theo họ, Molnupiravir có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống dịch, nhưng vaccine vẫn là “hòn đá tảng” trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội.

Theo đại diện Bộ Y tế Australia, cần phải hiểu rằng Molnupiravir không phải là vaccine và công dụng chính của thuốc là điều trị người mắc bệnh ở thể nhẹ và trung bình. “Tiêm vaccine vẫn là cách thức an toàn nhất, quan trọng nhất đối với người dân Australia để tự bảo vệ bản thân và những người thân yêu trước nguy cơ COVID-19. Các biện pháp điều trị COVID-19 như sử dụng thuốc Molnupiravir, Remdesivir hay Sotrovimab chỉ là công cụ bổ sung giúp xử lý thách thức mà đại dịch đang đặt ra”, Bộ Y tế Australia nêu quan điểm.

Đại diện Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) nhìn nhận tin tức về các liệu pháp điều trị mới luôn được chào đón nhiệt thành, nhưng nếu nhìn về phía trước sẽ không có phương pháp nào hiệu quả bằng vaccine. Vaccine là liệu pháp tốt nhất chống lại tình trạng bệnh nặng cũng như việc phải nhập viện, chăm sóc liên tục dù người bệnh có được điều trị bằng thuốc, sinh phẩm mới nhất.

FDA đang tiến hành rà soát dữ liệu do Merck cung cấp để có thể đưa ra quyết định cấp phép với Molnupiravir, sớm nhất có thể là vào tháng 11 tới. Tại Australia, Cơ quan quản lý dược phẩm trị liệu Australia (TGA) sẽ là đầu mối thẩm định cấp phép. Sau khi TGA ra quyết định, thuốc mới có thể được cung cấp, lưu thông ở Australia. Chính phủ Australia hy vọng Merck sẽ sớm nộp đơn xin cấp phép sử dụng tạm thời thuốc molnupiravir để TGA có thể đánh giá vào cuối năm 2021 và phê duyệt sử dụng vào đầu năm 2022.

Australia đang sử dụng hai loại thuốc Remdesivir và Sotrovimab để điều trị bệnh nhân COVID-19 trong nước. Tuy nhiên, thuốc Molnupiravir có ưu điểm là dễ sử dụng vì bệnh nhân có thể tự uống thuốc theo đơn, qua đó giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế. Liều uống đối với những bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19 từ nhẹ đến trung bình là 2 lần/ngày và sử dụng liên tiếp trong 5 ngày.

Australia đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm sớm mở cửa trở lại dựa trên tỷ lệ tiêm chủng cao, sau khi chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison quyết định thay đổi chiến lược, chuyển từ “không COVID-19” sang sống chung với COVID-19. Hiện tại, có khoảng 62% người dân Australia từ 16 tuổi trở lên - tương đương 50% dân số, đã được tiêm đủ hai liều vaccine. Tỉ lệ người tiêm ít nhất một mũi vaccine là trên 80%.

Bình luận
Tập di cảo thơ "Những ngày tháng Tám" của nhà thơ, nhà giáo, liệt sĩ Trần Quang Long.
Những kỷ vật đi cùng năm tháng
(Ngày Nay) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã trải qua nửa thế kỷ nhưng âm vang hào hùng vẫn vang vọng, lắng sâu trong lòng mỗi người con đất Việt, đặc biệt là khi ta lặng mình trước hàng trăm kỷ vật thiêng liêng đang được trân trọng lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiêm vắc xin phòng bệnh tại CDC Đồng Nai. (Ảnh minh hoạ)
Bảo đảm thông suốt công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng sau sáp nhập các đơn vị y tế
(Ngày Nay) - Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bảo đảm hoạt động thông suốt, không để gián đoạn làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng sau khi nhập sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế ở các cấp... là nội dung quan trọng trong công văn số 2513/BYT-PB gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa.
Người dân Nhật Bản. Ảnh minh họa
Có đến 68% người Nhật ủng hộ độc lập hơn với Mỹ
(Ngày Nay) - Theo một cuộc khảo sát toàn quốc ở Nhật Bản, khoảng 68% người được hỏi cho rằng Nhật Bản nên theo đuổi lập trường độc lập hơn với Mỹ, ở câu hỏi khác, 77% hoài nghi sự bảo vệ từ Mỹ với nước này.