Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, các thành phố của quốc gia này nói chung đều an toàn, hấp dẫn, có cơ sở hạ tầng tốt - bao gồm mạng lưới giao thông công cộng có tính kết nối cao - và mang đến nhiều cơ hội kinh tế.
Cả hai thành phố Zurich và Geneva của nước này đều được xếp hạng cao trong số các thành phố đáng sống nhất trên thế giới trong chỉ số Khả năng sống toàn cầu năm 2022.
Cả hai thành phố trên đều đạt điểm cao nhất trong tất cả các hạng mục, trong đó điểm cao nhất dành cho chăm sóc sức khỏe (100), tiếp theo là cơ sở hạ tầng (96,4) và sự ổn định (95). Hai thành phố khác của Thụy Sĩ là Basel và Lausanne cũng đạt điểm cao trong các cuộc khảo sát quốc tế.
Tuy nhiên, bất chấp sự hấp dẫn này, một xu hướng mới đang phát triển ở Thụy Sĩ: ngày càng có nhiều người rời bỏ thành phố và chuyển đến sinh sống ở vùng nông thôn. Nguyên nhân do tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá thuê nhà đắt đỏ.
Theo một báo cáo trên báo SonntagsZeitung số ra ngày 12-3, khoảng 1 triệu người thuê nhà ở Thụy Sĩ cảm thấy việc thuê nhà là một “gánh nặng”, có nghĩa họ phải trả tiền thuê nhà quá cao so với thu nhập.
Tình trạng khan hiếm nhà ở kết hợp với giá thuê cao đang khiến ngày càng nhiều gia đình trung lưu rời khỏi thành phố và về vùng nông thôn, nơi giá thuê ở thời điểm hiện tại đang ở mức thấp hơn.
Nicola Hilti, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học ứng dụng ở thành phố St. Gallen (Thụy Sĩ), nêu rõ: "Tầng lớp trung lưu không còn đủ khả năng chi trả để sống trong thành phố, nhất là tại các thành phố lớn như Zurich, Geneva và Basel. Cuộc di dời này tiếp tục diễn ra có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Thụy Sĩ".
Trong khi đó, theo nhà xã hội học đô thị Barbara Emmenegger, các thành phố của Thụy Sĩ phát triển mạnh nhờ sự đa dạng và tương tác. Nếu tầng lớp trung lưu rời đi, một phần nền kinh tế sẽ sụp đổ. Các cửa hàng và nhà hàng hướng đến nhóm dân cư này sẽ "biến mất".
Chuyên gia này cho biết thêm, sự dịch chuyển về nông thôn cũng sẽ không mang lại lợi ích cho khu vực nông thôn: “Nếu mọi người không còn đủ khả năng sống ở thành phố và chuyển đến vùng nông thôn, giao thông đường bộ có thể sẽ bùng nổ”.
Ngoài ra, tình trạng này kéo dài khiến cho các khu vực nông thôn có thể không còn cung cấp nhà ở giá rẻ.
Còn theo chuyên gia về bất động sản của Ngân hàng Credit Suisse Fredy Hasenmaile, Thụy Sĩ đang ngày càng trở nên thiếu nhà ở với tỉ lệ chưa từng có. Ở các trung tâm đô thị, nhà ở đã rất khan hiếm.
Xu hướng này hiện vẫn chưa lan đến nông thôn, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian.
Trước mắt chưa có giải pháp cho vấn đề nêu trên và giải pháp hợp lý nhất là xây thêm nhà ở trong và gần các trung tâm đô thị và giữ cho giá thuê nhà không tăng vọt.
Theo dự kiến, nhà ở và tiền thuê nhà sẽ trở thành tâm điểm của một số cuộc thảo luận căng thẳng tại Quốc hội Thụy Sĩ, có thể vào cuối năm nay./.