Nghiên cứu mới tại Đại học bang Oregon của Mỹ cho thấy các bước sóng xanh được tạo ra bởi các điốt phát sáng làm hỏng các tế bào trong não cũng như võng mạc.
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên loài ruồi giấm, một sinh vật có cơ chế phát triển và tế bào tương tự với nhiều loài động vật trong đó có con người.
Nhóm nghiên cứu muốn xem xét cách ruồi giấm phản ứng với hiện tượng phơi sáng 12 giờ hàng ngày với ánh sáng LED màu xanh - tương tự như bước sóng màu xanh phổ biến trong các thiết bị như điện thoại và máy tính bảng và thấy rằng ánh sáng làm tăng tốc lão hóa.
Những con ruồi chịu chu kỳ hàng ngày là 12 giờ phơi sáng và 12 giờ trong bóng tối có tuổi thọ ngắn hơn so với những con được giữ trong bóng tối hoàn toàn hoặc những con được giữ trong ánh sáng với bước sóng màu xanh lam được lọc ra.
Tiếp xúc lâu với ánh sáng xanh khiến các tế bào võng mạc và tế bào thần kinh não của những con ruồi bị tổn hại, cùng với đó là sự suy giảm khả năng vận động.
Một số con ruồi trong thí nghiệm là những con đột biến không phát triển mắt và ngay cả những con ruồi không có mắt này cũng bị tổn thương não và suy giảm vận động, cho thấy kể cả khi không tiếp xúc bằng mắt, ánh sáng xanh vẫn có khả năng ảnh hưởng.
"Việc ánh sáng làm gia tăng sự lão hóa ở ruồi ban đầu rất đáng ngạc nhiên đối với chúng tôi. Sau đó, chúng tôi bắt đầu tự hỏi, trong ánh sáng có gì gây hại cho chúng và cả nhóm đã nhìn vào quang phổ của ánh sáng. Một điều rất rõ ràng là mặc dù ánh sáng không có màu xanh cũng rút ngắn tuổi thọ của chúng, nhưng chỉ có ánh sáng xanh làm giảm tuổi thọ của ruồi một cách hết sức đáng kể", Jaga Giebultowicz - thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo nhà khoa học Giebultowicz ánh sáng tự nhiên rất quan trọng đối với nhịp sinh học của cơ thể - chu kỳ 24 giờ của các quá trình sinh lý như hoạt động sóng não, sản xuất hormone và tái tạo tế bào.
"Nhưng có bằng chứng cho thấy rằng việc tăng cường tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo là một yếu tố nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ và sinh học. Nếu được lựa chọn, những con ruồi có xu hướng tránh xa ánh sáng xanh", bà Giebultowicz nói.
Eileen Chow, trợ lý nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Giebultowicz và là đồng tác giả của nghiên cứu, lưu ý rằng những tiến bộ trong công nghệ và y học có thể phối hợp với nhau để giải quyết các tác động gây hại của ánh sáng xanh nếu nghiên cứu này chứng minh tác động tương tự lên con người.
"Tuổi thọ của con người đã tăng lên đáng kể trong thế kỷ qua khi y tế phát triển, đồng thời chúng ta đã tiếp xúc với ánh sáng xanh", cô nói. "Khi khoa học tìm cách giúp mọi người khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn, thì việc thiết kế phổ ánh sáng lành mạnh hơn là điều khả thi".
Trong khi các nhà khoa học chưa tìm cách khắc phục, mọi người có thể lựa chọn kính mắt với tròng kính màu hổ phách để lọc ánh sáng xanh và bảo vệ võng mạc. Ngoài ra các thiết bị như điện thoại, máy tính xách tay có thể được thiết lập để chặn ánh sáng xanh.
"Trong tương lai, có thể có những chiếc điện thoại tự động điều chỉnh màn hình của chúng dựa trên thời lượng sử dụng mà điện thoại cảm nhận được", tác giả chính của nghiên cứu Trevor Nash cho biết. "Loại điện thoại đó có thể khó chế tạo, nhưng nó có thể có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng".