Ngành Du lịch cả nước đang trên đà phục hồi nhanh sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, mục tiêu để Hà Nội có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức quảng bá toàn quốc vẫn chưa đạt như mong muốn. Vì vậy, Hà Nội cần phát triển mới sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá du lịch… để bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của ngành Du lịch Thủ đô.
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản tại Tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19” được tổ chức vào ngày 24/10.
Nhìn nhận sau khi Việt Nam kiểm soát, khống chế được dịch COVID-19, bước vào phục hồi mọi mặt đời sống, du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng có những tín hiệu khởi sắc, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, giai đoạn này dịch vụ du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh, chiếm 80% tổng lượng khách.
Hầu hết các điểm du lịch đều quá tải, không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ mà ngày thường cũng đông. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Cũng theo ông Lê Hồng Thái, từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo uy tín cho du lịch Thủ đô.
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch sau COVID-19, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, sau 2 năm bị đóng cửa bởi COVID-19, khi thị trường du lịch hoạt động trở lại, địa phương đã định hướng xây dựng một số sản phẩm phù hợp với mô hình du lịch cộng đồng. Địa phương chú trọng việc kết nối điểm đến với các khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì để tạo điều kiện cho khách lưu trú. Ngoài ra, địa phương tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như: Du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, “photo tour” (du lịch chụp ảnh), tổ chức tuyến phố đi bộ...