Tìm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thời gian qua, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế.
Tìm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo Bộ Công Thương, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Đáng nói, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển hết tiềm năng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…

Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng nên DN chưa mở rộng ra thị trường toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận, so với các nước lân cận, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, hoàn cảnh trong khu vực.

Nhìn vào thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ , bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đánh giá, thời gian qua, dù đã chủ động mở cửa để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực…

Đại diện Hội hiệp doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, mặc dù cơ hội thị trường của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trong nước rất lớn, nhưng DN chưa tận dụng được. Nhiều dự án/gói thầu lớn có liên quan đến máy móc, thiết bị vẫn do nhà thầu nước ngoài cung cấp.

“Ngành cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như: hóa chất, giao thông, khai thác dầu khí, nông nghiệp… nên đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, lợi ích ngắn hạn không cao nhưng lợi ích dài hạn là rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí vẫn gặp nhiều khó khăn”, VAMI nêu bất cập.

Đồng quan điểm, ông Cao Thanh Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ 3A+ thừa nhận, việc tiếp cận vốn ngân hàng với các DN lâu nay không hề dễ dàng.

Nêu kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc, Thái Lan...., các chuyên gia lĩnh vực này đánh giá, tại Việt Nam chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có, nhưng việc triển khai trên thực tế chưa được bao nhiêu.

Gỡ khó từ chính sách

Tại tờ trình về việc tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (Nghị định số 111), Bộ Công Thương cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển có thể được hưởng ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài chính sách thuế, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111 đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Về tài chính, Bộ Công Thương đề xuất, trên cơ sở khả năng bố trí ngân sách trong từng thời kỳ, ngân sách Trung ương hỗ trợ bằng hình thức cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để thực hiện đầu tư dự án với mức cấp bù chênh lệch lãi suất 3%/năm.

Đánh giá cao giải pháp đề xuất, bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, những chính sách này nếu được thông qua đều rất đáng quý. Tuy nhiên, theo đại diện VASI, cần có những giải pháp về tài chính mạnh hơn nữa. “Muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển phải đầu tư mới với giá hợp lý. Lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn còn rất cao, cộng thêm thị trường khó khăn thì dù có hỗ trợ cấp bù chênh lệch 3% cũng không có doanh nghiệp nào dám vay để đầu tư công nghiệp hỗ trợ”, bà Bình nêu quan điểm và cho rằng, nếu không có giải pháp tài chính thực sự mạnh thì sẽ khó nhìn thấy sự thay đổi lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cũng cho rằng cần có giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, theo một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mức hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất không phù hợp với bối cảnh hiện nay khi doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện cho vay. Chính vì vậy các doanh nghiệp cho rằng cần tục gỡ “rào cản” thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cần có những quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp...

Theo Bộ Công thương
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
(Ngày Nay) - Ngày 28/9, Hội Người cao tuổi Việt Nam và tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam Lê Thành Long.
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
(Ngày Nay) - Từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 8 triệu thuê bao lên thiết bị 4G trên cả nước. Hiện tại, trên toàn mạng Viettel còn khoảng 500.000 thuê bao sử dụng máy 2G. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10 – thời điểm tắt sóng 2G.