“Hoa nhài” - những mảnh ghép về Hà Nội
Lấy bối cảnh Hà Nội những năm 2000, bộ phim “Hoa nhài” được đánh giá là bức tranh nhiều màu về cuộc sống của người Hà Nội. Bức tranh đó được ghép bởi những mảnh đời điển hình, rất quen thuộc với đời sống thị dân bình dị tại Hà Nội. Đó có thể là chú bé đánh giày, người thợ cắt tóc trên vỉa hè hay ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị, chị nông dân lên Hà Nội làm nghề chăm sóc người bệnh... Những mảnh đời rời rạc ấy kết thành bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân những năm 2010.
Những năm 2010, là thời điểm Hà Nội có nhiều biến động trong quá trình chuyển mình vươn lên trở thành một đô thị hiện đại. Và 10 năm qua là quãng thời gian vừa đủ để những người làm phim dựng lại vẻ đẹp vừa gần gũi, vừa có chút hoài niệm với người xem hôm nay. Phim mong muốn gửi đến người xem thông điệp về sự hàn gắn trong bối cảnh cuộc sống luôn vận động. Lòng nhân ái, sự quan tâm sẻ chia - chất keo gắn kết để cuộc sống trở nên bền vững, ý nghĩa - là một trong những yếu tố làm nên chất Hà Nội trong mỗi con người Hà Nội, đúng như câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Bức tranh cuộc sống, con người Hà Nội ấy được “vẽ” nên bởi một đạo diễn được coi là bậc thầy của điện ảnh Việt Nam - NSND Đặng Nhật Minh. Ông vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn phim. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đánh giá: Bộ phim được đạo diễn bởi bậc thầy điện ảnh, NSND Đặng Nhật Minh, là những lát cắt về cuộc sống, con người Hà Nội. Với ngôn ngữ điện ảnh dung dị, tinh tế, nhuần nhị, phim đã ngân lên tiếng ca sâu thẳm trong tâm hồn người Hà Nội...
Đạo diễn Đặng Nhật Minh hiện là Giám đốc Công ty Truyền thông & Hình ảnh Khánh An (Khánh An Film) và "Hoa nhài" là bộ phim do công ty của ông đầu tư sản xuất. Sinh ra ở Huế nhưng với đạo diễn Đặng Nhật Minh, Hà Nội mới là mảnh đất gắn bó với ông nhiều nhất, và cũng là nguồn cảm hứng để ông thực hiện nhiều bộ phim gây tiếng vang như “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt” và “Hoa nhài”. Qua các tác phẩm này, người xem thấy ông luôn chăm chút gửi gắm vào phim nét tinh hoa, phẩm giá, cốt cách người Hà Nội.
Khơi nguồn cảm hứng
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam: Chỉ tiêu trong "Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" là mỗi năm sản xuất 40 - 45 phim truyện, 25% trong số đó là phim đặt hàng hoặc có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Về số lượng phim thì về cơ bản chúng ta đã đạt được, nhưng 90% các phim sản xuất hằng năm là của các hãng phim tư nhân và từ nguồn vốn xã hội hóa.
Thực tế cho thấy, hầu hết các phim chiếu rạp hiện nay là do tư nhân sản xuất. Và, từ nhiều năm qua, thị trường điện ảnh Việt có sự phát triển sôi động chủ yếu ở khu vực phía Nam. Đó là điều khiến cho nhiều người cảm thấy tiếc nuối, bởi cùng với việc các hãng phim phía Bắc gần như không còn sản xuất phim chiếu rạp, đề tài về Hà Nội trên màn ảnh rộng cũng nhạt dần. Đó cũng là lý do khiến khán giả dành sự chú ý cho "Hoa nhài" ở Liên hoan phim lần này.
“Hoa nhài” được chọn chiếu mở màn HANIFF VI và cũng là bộ phim dài duy nhất của Việt Nam được chọn dự Liên hoan, còn lại là các phim ngắn, phim hoạt hình và phim tài liệu. Ngay trong buổi họp báo giới thiệu Liên hoan, bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho hay, năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã giao Ban Thi đua khen thưởng Thành phố có hình thức khen thưởng dành cho đạo diễn hoặc bộ phim xuất sắc về đề tài Hà Nội.
Sau hai năm vắng bóng vì đại dịch Covid-19, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI - năm 2022, đã trở lại, mang đến bầu không khí mới cho điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Hy vọng rằng điều này sẽ tạo nên một sự khích lệ cho những người làm điện ảnh để người xem lại thường xuyên được thưởng thức những câu chuyện Hà Nội trên màn ảnh rộng.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI, Ban tổ chức đã mở triển lãm "Bối cảnh quay phim là các di tích, di sản văn hóa của Hà Nội", giới thiệu hơn 200 hình ảnh về các bộ phim Việt Nam được quay tại Hà Nội. Triển lãm góp phần giới thiệu hệ thống di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Thủ đô Hà Nội với các nhà làm phim quốc tế tham dự Liên hoan.