Theo Đài BBC (Anh), nhóm khoa học thuộc Đại học Cardiff đã tìm ra một cơ chế miễn dịch đặc biệt trong cơ thể người có thể khai thác để tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, phổi và nhiều ung thư khác trong các thử nghiệm tại phòng lab.
Các phát hiện này vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành Nature Immunology. Mặc dù vẫn chưa được thử nghiệm trên người bệnh, song các nhà nghiên cứu nói phương pháp này "có tiềm năng rất lớn".
Theo nhóm chuyên gia, mặc dù công trình nghiên cứu của họ mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi, song kết quả thu được từ đó cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan.
Hệ miễn dịch là cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể con người trước các lây nhiễm, nó cũng có khả năng tấn công các tế bào ung thư.
Nhóm các nhà khoa học ở đại học Cardiff đã chủ định đi tìm kiếm những cách thức "phi truyền thống" và chưa được khám phá trước đây của hệ miễn dịch trong cách tấn công những khối u theo kiểu phòng vệ tự nhiên.
Cái họ tìm thấy chính là một loại tế bào T mới trong máu người. Đây là tế bào miễn dịch có thể "rà quét" cơ thể, "đánh giá tình hình" xem có nguy cơ nào với cơ thể mà những "chiến binh" bảo vệ cần loại bỏ không.
Sự khác biệt trong nghiên cứu của họ là loại tế bào T này có thể tấn công một loạt các loại ung thư. "Ở đây có khả năng là nó có thể điều trị mọi bệnh nhân ung thư", nhà nghiên cứu, giáo sư Andrew Sewell, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ thông tin với đài BBC.
"Trước đây chưa ai tin chuyện này là có thể", ông Andrew Sewell nói.
"Nó gợi ra tiềm năng về một liệu pháp điều trị kiểu như "một cỡ vừa cho tất cả", ông Andrew Sewell giải thích thêm, tức là chỉ một loại tế bào T nhưng có thể tiêu diệt nhiều kiểu tế bào ung thư khác nhau.
Các tế bào T có "các thụ thể" (receptor) trên bề mặt của chúng, cho phép chúng có thể "nhìn thấy" ở cấp độ hóa học, cấp độ đơn giản nhất trong hệ thống cấu trúc tế bào.
Theo đó, trong các thí nghiệm phòng lab, nhóm nghiên cứu đại học Cardiff phát hiện tế bào T và thụ thể của nó có thể tìm, diệt một loạt các tế bào ung thư như phổi, da, máu, ruột kết, vú, xương, tiền liệt, buồng trứng, gan và cổ tử cung.
Và điều quan trọng là tế bào T không "đụng" tới những mô lành (hay tế bào khỏe mạnh) trong cơ thể người.
Thông thường các tế bào T rất khó phân biệt giữa các tế bào ung thư và tế bào khỏe do cấu trúc gen tương tự của chúng, do đó chúng thường tấn công cả hai loại này.
Tuy nhiên loại tế bào T vừa được nhóm nghiên cứu phát hiện vẫn có khả năng phân biệt giữa hai loại và chỉ tấn công tế bào ung thư.
Cách thức quá trình này diễn ra chính xác như thế nào vẫn đang được khám phá. Loại thụ thể đặc biệt của tế bào T tương tác với một phân tử có tên là MR1 vốn có trên bề mặt của mọi tế bào trong cơ thể người.
Người ta cho rằng, phân tử MR1 sẽ phát tín hiệu cho thấy quá trình trao đổi chất rối loạn trong bên trong một tế bào ung thư tới hệ miễn dịch.
"Chúng tôi là những người đầu tiên mô tả một tế bào T tìm thấy MR1 trong các tế bào ung thư, điều này chưa từng được thực hiện trước đây, đây là nghiên cứu đầu tiên loại này", nhà nghiên cứu Garry Dolton, thuộc nhóm nghiên cứu nói.