Tỉnh Bình Dương hướng tới thu hút đầu tư thông minh

 Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài thông minh, vào tháng 3/2018, tỉnh Bình Dương đã đăng ký gia nhập Hiệp hội Đô thị khoa học Thế giới (gọi tắt là WTA).
Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương nằm trong khu vực thành phố mới Bình Dương. Ảnh: TTXVN
Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương nằm trong khu vực thành phố mới Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Đến tháng 8/2018, tỉnh Bình Dương đã chính thức được công nhận là thành viên thứ 106 của WTA. Bình Dương vào WTA là nhằm mục đích chia sẻ, trao đổi và học tập kinh nghiệm để xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Và trong những ngày đầu tháng 10/2018, toàn tỉnh Bình Dương từ lãnh đạo các cấp cho đến doanh nghiệp và người dân đều bận rộn cả ngày lẫn đêm với biết bao công việc để chuẩn bị cho sự kiện lớn của thế giới được tổ chức tại địa phương. Đó là sự kiện Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 11 của Đại hội đồng WTA (Hiệp Hội Đô thị Khoa học Thế giới) nhân kỷ niệm 20 năm thành lập WTA tại tỉnh này.

Tầm nhìn mới thành phố thông minh

Cả tỉnh Bình Dương vẫn còn nhớ như in phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp về dự kỷ niệm Bình Dương 20 năm phát triển (1/1/1997-1/1/2017) và đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Bình Dương phải hướng tới định vị cao hơn trong chuỗi giá trị quốc tế và sẽ là thành phố thông minh đầu tiên được kết hợp tốt “3 nhà.”

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, tỉnh quyết tâm xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, trước năm 2021, Bình Dương sẽ trở thành thành phố thông minh với năm vùng thông minh bao gồm một thành phố và bốn thị xã phía Nam của tỉnh.

Để triển khai xây dựng thành phố thông minh, từ năm 2015, tỉnh Bình Dương đã hợp tác với thành phố Eindhoven (Hà Lan) để triển khai ý tưởng phát triển kinh tế xã hội theo mô hình hợp tác trên nền tảng mô hình ba nhà, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp.

Từ mối liên kết này, Bình Dương đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, xanh, sạch và thân thiện môi trường. Đồng thời, Bình Dương tập trung cải cách hành chính toàn diện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bình Dương đã và đang phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, Đề án thành phố thông minh được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chính thức phê duyệt vào tháng 11/2016.

Tỉnh Bình Dương hướng tới thu hút đầu tư thông minh ảnh 1

Trung tâm Hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương nằm trong khu vực thành phố mới Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Thành phố Thông minh là một chương trình chiến lược đột phá kinh tế xã hội của Bình Dương đến năm 2021. Bình Dương hướng đến phát triển một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, sản xuất công nghệ cao. Tỉnh quy hoạch đô thị theo hướng thông minh và tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức. Việc triển khai đề án thành phố thông minh Bình Dương được xác định và phân công cụ thể từng chương trình hành động cần thiết trong các lĩnh vực, trong đó, đáng chú ý nhất chính là lấy con người làm yếu tố trọng tâm để thực hiện đề án Thành phố Thông minh.

Năm 2018, Bình Dương vinh dự được WTA lựa chọn là địa phương tổ chức các sự kiện nhân kỷ niệm 20 năm thành lập WTA. Cụ thể, từ ngày 10-13/10, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra các sự kiện quốc tế là Phiên họp lần thứ 11 Đại hội đồng WTA, Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018, Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học WTA, Diễn đàn các thị trưởng WTA, Hội chợ công nghệ cao.

Đây là các sự kiện nhằm chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các đô thị khoa học bền vững và quản trị các thành phố khoa học trên thế giới. Trên cơ sở đó sẽ giúp tỉnh Bình Dương tiếp cận được các công nghệ tiên tiến để xây dựng và phát triển Thành phố Thông minh. Đồng thời nâng cao năng lực quản trị, trình độ khoa học công nghệ góp phần thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, quảng bá thương hiệu Bình Dương với các đối tác quốc tế, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bình Dương.

Thu hút đầu tư thông minh

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, sau khi được tái lập vào năm 1997, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã luôn nhận thức và hành động theo quan điểm nhất quán là để phát triển cần phải đẩy mạnhcông nghiệp hóa gắn với khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và con người.

Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương đã chủ động đề ra các giải pháp thu hút đầu tư nhằm tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế và xã hội. Tỉnh mạnh dạn thông qua việc duy trì và thực hiện có hiệu quả chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài.”

Với tinh thần quyết liệt thực hiện các chủ trương đổi mới, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã góp phần khai thông những bế tắt, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với tỉnh Bình Dương.

Những thành quả bước đầu về thu hút đầu tư, hình thành và phát triển các khu công nghiệp tập trung, thu hút nguồn lực lao động từ các tỉnh thành trong cả nước. Tỉnh tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa-xã hội đã hình thành những nền tảng quan trọng, cả về kinh tế lẫn chính trị; làm động lực phát triển sau này của tỉnh Bình Dương.

Đến nay, sau 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng. Thu hút đầu tư nước ngoài đã đóng góp tích cực và ấn tượng trên nhiều mặt trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội theo từng thời kỳ phát triển của tỉnh Bình Dương.

Tính đến tháng 9/2018, Bình Dương đã tiếp nhận trên 31,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký với hơn 3.300 dự án còn hoạt động, đứng thứ 3 cả nước. Trong đó có hơn 3.000 dự án có tổng vốn đăng ký là 22,5 tỷ USD hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã góp phần đưa Bình Dương từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương tập trung thực hiện chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, hướng đến với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư thông minh, mà cụ thể vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Tỉnh tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Tỉnh tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn dần dần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Với định hướng phát triển một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh và tạo nền tảng tiến lên nền kinh tế tri thức, Bình Dương hiện đang triển khai đề án thành phố thông minh trên cơ sở nghiên cứu mô hình đột phá thành công của các thành phố thông minh trên thế giới.

Việc xây dựng Thành phố Thông minh với mô hình “ba nhà” nhằm hình thành một cơ chế hợp tác chặt chẽ và năng động giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người dân để thu hút các dự án thông minh trên toàn cầu. Thông qua cách làm đó sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tổng lực, đột phá và mang lại lợi ích hài hòa cho các bên trong quá trình phát triển; tạo tiền đề để đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, trong đó có quê hương Bình Dương.

Với thể chế tốt và tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo địa phương, tỉnh Bình Dương kỳ vọng thời gian tới đây, Bình Dương sẽ tiếp tục là địa phương thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song với thu hút đầu tư thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Vietnamplus
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.