Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, trong đợt ngập lụt mới này đã có 80/124 xã, phường, thị trấn với 41.878 hộ/148.022 người bị ngập lụt; trong đó đã triển khai sơ tán 8.212 hộ/24.524 người đến các địa điểm an toàn.
Nhiều ngôi nhà đã bị sập, cuốn trôi, hư hỏng; trên 70 điểm trường bị ngập lụt với mực nước dâng cao trên 1 m gây thiệt hại toàn bộ thiết bị dạy học, bàn ghế, bếp, tường rào… Trên 316 ha lúa bị ngập, bồi lấp; hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; nhiều diện tích cây ăn quả, hoa màu, cây lâm nghiệp của người dân bị gãy đổ, ngập úng.
Đỉnh lũ trên lưu vực sông Hiếu và sông Thạch Hãn vượt mức lịch sử năm 1983 và năm 1999, đỉnh lũ trên sông Ô Lâu đã vượt đỉnh lũ năm 2009. Mưa lũ đã làm 46 người thiệt mạng và mất tích.
Khu vực vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ ở Đoàn 337 huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. |
Mưa lớn làm đường Hồ Chí Minh nhánh Tây từ thị trấn Khe Sanh vào các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, huyện Hướng Hóa bị sạt lở nhiều điểm, gây tắc đường. Trong khi đó, trên địa bàn huyện còn nhiều người mất tích, nhiều xã bị cô lập chưa thể tiếp cận. Các lực lượng cứu hộ phải đi bộ bằng đường rừng mới tiếp cận hiện trường khu vực 22 cán bộ chiến sỹ Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 gặp nạn.
Chiều ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đến tỉnh Quảng Trị trực tiếp chỉ đạo các lực lượng ngành giao thông vận tải tập trung khắc phục sạt lở, sớm thông đường vào hiện trường các điểm sạt lở đất, tìm kiếm người mất tích.
Các lực lượng đang khẩn trưởng khắc phục sạt lở trên đường Hồ Chí Minh. |
“Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Ủy ban tìm kiếm cứu nạn hiện nay các lực lượng đang tập trung thiết bị máy móc con người khắc phuc, đảm bảo giao thông, nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh phải thông xe sớm để các lưc lượng cứu hộ vào để cứu người mất tích”, ông Lê Đình Thọ cho biết.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã làm ngập khoảng 40.000 nhà dân trong nước lũ từ 0,5 m đến trên 3m; nhiều khu dân cư bị cô lập bởi nước lũ dâng cao và nhiều tuyến đường giao thông đường bộ huyết mạch bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng đã cắt đứt việc lưu thông.
Tại huyện Lệ Thủy, mực nước lũ dâng cao hơn trận lũ lịch sử năm 1979 là 59cm, đã làm ngập lụt hơn 20.000 nhà dân.
Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) nhiều điểm bị sạt lở cắt đứt tuyến đường giao thông đường bộ đến xã |
Nước lũ dâng cao làm ngập lụt hơn 13.000 ngôi nhà ở huyện Quảng Ninh; hơn 4.000 ngôi nhà ở thị xã Ba Đồn; các huyện Minh Hóa và Bố Trạch mỗi địa phương có trên 1.000 nhà bị ngập lụt; huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch và TP. Đồng Hới mỗi địa phương có gần 1.000 nhà bị ngập trong nước lũ.
Thống kê bước đầu, hiện số thôn, bản bị chia cắt, cô lập gồm: Huyện Quảng Ninh có 57 thôn/11 xã, bản; huyện Tuyên Hóa có 23 thôn, bản/10 xã; huyện Bố Trạch có 24 thôn, bản. Trong các thôn, bản bị chia cắt, cô lập, có 49 bản/9 xã vùng biên giới.
Mực nước trên sông Kiến Giang đạt 3,93m, vượt đỉnh lũ năm 1979. Hiện nay, toàn huyện Lệ Thủy có khoảng 17.600 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã trên địa bàn. |
Trước tình hình mưa to và nước lũ dâng cao, các địa phương trong tỉnh bước đầu đã di dời khoảng 500 hộ dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nên từ nay đến ngày 21/10, ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to.