Nền kinh tế phát triển nhanh và dân số trẻ của Việt Nam đang tạo ra một thị trường quan trọng cho các nhà cung cấp đồ uống có cồn.
Theo Bộ Y tế, năm 2015, người trưởng thành tại Việt Nam trung bình uống 6,6 lít đồ uống có cồn, tăng 70% so với năm 2005. Lượng tiêu thụ bia năm ngoái đạt 3.400 triệu lít, tăng 10% so với năm trước và hơn 41% so với năm 2010.
Trong bối cảnh Nhà nước thoái vốn tại một số doanh nghiệp, các công ty toàn cầu mong muốn tiếp tục đầu tư vào thị trường đồ uống tăng trưởng hai con số này.
Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã lên kế hoạch tăng công suất sản xuất tại Việt Nam đến năm 2025. Trong khi đó, Ladofoods, một nhà cung ứng rượu vang Việt Nam, nhắm mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2018.
Theo Bộ Công Thương, chi tiết kế hoạch của Heineken vẫn chưa hoàn thiện. Song nhà sản xuất bia Hà Lan đã sẵn sàng mở rộng nhà máy tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mua lại từ Carlsberg hồi mùa hè này.
Heineken dường như muốn tăng sản lượng nhiều hơn, cũng như Tiger, nhằm tăng nguồn cung cho thị trường bia lớn nhất Việt Nam – TP.HCM.
Bên cạnh nhà máy tại Vũng Tàu, Heineken còn điều hành các cơ sở tại TP.HCM, Đà Nẵng và hai địa điểm khác tại Việt Nam. Doanh nghiệp đang tìm cách tăng lượng sản xuất hàng năm lên 610 triệu lít, từ 50 triệu lít ở thời điểm hiện tại.
Sabeco hiện kiểm soát khoảng 45% thị phần bia trong nước, trong khi Habeco chiếm 20%. Hai công ty được dự kiến tư nhân hóa hoàn toàn vào năm 2017. Mạng lưới bán hàng trên toàn quốc của Habeco và Sabeco là một miếng bánh hấp dẫn đối với các nhà sản xuất nước ngoài mang tham vọng mở rộng.
Heineken dự kiến đấu thầu cổ phần của hai doanh nghiệp này, cũng như Asahi Group Holdings và Kirin Holdings của Nhật bản, Thai Beverage và Boon Rawd Brewery của Thái Lan.
Tích cực
Theo khảo sát của Kirin, Việt Nam là một trong số ít các thị trường bia đang phát triển nhanh. Năm 2015, có 4.670 triệu lít được sản xuất tại quốc gia hình chữ S, thị trường lớn thứ 8 của thế giới. Con số này tăng 20,1% so với năm trước, vượt xa tốc độ tăng trưởng 8,8% của Bỉ, nơi có tỷ lệ phát triển cao thứ 2.
Trên toàn cầu, khảo sát của Kirin cho thấy sản lượng bia năm ngoái giảm 1,1%. Châu Á chiếm 1/3 tổng lượng sản xuất trên thế giới và giảm 1,3%.
Trong số 25 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam và Ấn Độ là hai thị trường có ít nhất 10 năm tăng trưởng liên tiếp, trong đó Việt Nam là 15 năm. Sự tăng trưởng tại thị trường này đặc biệt ấn tượng, dù dân số Việt Nam không tăng nhanh như Ấn Độ.
Những gì Việt Nam có là giới trẻ, với độ tuổi trung bình 28, và một trong những nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.
Trước đây, loại bia giá rẻ, hay còn gọi là bia hơi, được đổ thùng tại khắp nhà hàng và quán bar trên cả nước, mỗi cốc bia có giá chưa đến 1 USD. Một số nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới đã nhanh chóng nhìn thấy cơ hội vàng tại đất nước với dân số khoảng 90 triệu người và lượng tiêu thụ bia trên đầu người tương đối cao.
Anheuser-Busch InBev của Bỉ, nhà sản xuất bia số 1 thế giới, bắt đầu vận hành nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ở tỉnh Bình Dương vào năm ngoái.
Trong tháng 7, Sapporo Holdings phát hành một thương hiệu mới nhắm mục tiêu vào phân khúc thấp của thị trường bia, rẻ hơn 20-30% so với các công ty Nhật Bản hoạt động ở phân khúc cao cấp hơn.
Carlsberg đã tung ra thương hiệu Tuborg, phổ biến ở châu Âu, và dự định chi hàng triệu USD để phát triển ở Việt Nam.
Hương vị Italy
Các cơ hội mở rộng vượt ra ngoài sản phẩm bia. Khi nền kinh tế phát triển, lượng tiêu thụ whisky và rượu vang cũng tăng theo. Số lượng các cửa hàng bán rượu vang nhập khẩu ngày càng tăng,
Ladofoods đáp ứng cơn khát rượu vang này. Thành lập vào năm 2012, doanh nghiệp này kiểm soát 10% thị trường rượu vang của Việt Nam và cung cấp 50% sản phẩm rượu trong nước. Công ty đã được niêm yết trên Sàn chứng khoán Hà Nội.
Công ty đã lên kế hoạch tăng gấp đôi công suất hàng năm của nhà máy ở tỉnh Lâm Đồng đến năm 2018, lên 10 triệu lít. Doanh nghiệp cũng đang nâng cao năng lực sản xuất và tấn công phân khúc cao cấp, nơi ngự trị của rượu nhập khẩu.
Ladofoods nhập khẩu đất và nho từ Italy và đưa các chuyên gia châu Âu tới để hỗ trợ. Các sản phẩm của doanh nghiệp được bán với giá khoảng 100.000 đồng, tương đương 4,42 USD một chai. Doanh nghiệp đang hướng tới mở rộng phạm vi với 3 triệu chai mỗi năm.