Trăng máu hay nguyệt thực toàn phần vào ngày 27/10/2004. Ảnh: Fred Espenak/NASA |
Theo tính toán của NASA, trừ châu Âu, châu Phi và một phần nhỏ khu vực châu Á không quan sát được, thì các vùng còn lại đều có thể quan sát được nguyệt thực lần này, nhất là phía tây Bắc Mỹ, Australia và phía đông châu Á.
Tại sao Mặt trăng có màu đỏ khi nguyệt thực toàn phần?
Điều này được giải thích vì ngay khi Trái đất chặn các tia từ Mặt trời thì ánh sáng Mặt trời vẫn rẽ ra xung quanh rìa của Trái đất, và ánh sáng này được phản chiếu lên trên Mặt trăng (refracted light).
Ánh sáng từ Mặt trời có thành phần bao gồm đủ các màu với các bước sóng khác nhau.
Khi ánh sáng Mặt trời đi qua lớp khí quyển Trái đất, do hiện tượng tán xạ Raleigh, các bước sóng ngắn như màu xanh, tím... sẽ bị khí quyển Trái đất tán xạ gần như hoàn toàn, chỉ ánh sáng màu đỏ có bước sóng ánh sáng dài là có khả năng đi xuyên qua bầu khí quyển nhiều nhất.
Đồng thời bầu khí quyển Trái đất như một thấu kính hội tụ khổng lồ làm cho ánh sáng đỏ đi xuyên qua có xu hướng lệch về trục chính của vùng bóng tối tạo ra bởi Trái đất (umbra) và ánh sáng này đã chiếu rọi Mặt trăng khi nó đi qua, do đó ta thấy Mặt trăng có màu đỏ khi nguyệt thực.
Quan sát nguyệt thực thế nào?
Khi quan sát nguyệt thực, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường, tuy nhiên sẽ thú vị hơn khi sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ để nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của Mặt trăng.
Ảnh mô phỏng các diễn biến của nguyệt thực và sắc thái Mặt trăng - Nguồn: NASA/HAAC |
Tại Việt Nam, nguyệt thực nửa tối (penumbral eclipse) bắt đầu từ 15h15 khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất, nhưng nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì Mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút. Thời điểm nên quan sát là 16h14, khi Mặt trăng vào vùng bóng tối của Trái đất, bắt đầu giai đoạn nguyệt thực một phần (partial eclipse), màu sắc của vùng bóng Trái đất in trên Mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần.
Nguyệt thực toàn phần (total eclipse) bắt đầu lúc17h25 và toàn bộ Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nó đạt cực đại lúc 17h54 cũng là lúc Mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ, đẹp nhất, vì vậy hiện tượng này còn gọi là "trăng máu".
Người xem tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 18h24. Sau đó Mặt trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 19h34 và kết thúc nguyệt thực một phần.
Theo anh Đặng Tuấn Duy, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) thì Việt Nam thuận lợi quan sát nguyệt thực một phần; còn pha toàn phần thì khó quan sát hơn do thời tiết và vị trí Mặt trăng đang ở rất sát chân trời hướng đông và chuẩn bị mọc.
"Thời gian này trời luôn rất nhiều mây do đang là mùa mưa ở Việt Nam, thời tiết không ổn định và nguyệt thực toàn phần kết thúc lúc 18h24 thì Mặt trăng chỉ lên cao được 11 độ so với chân trời, nên khó quan sát được nguyệt thực ở giai đoạn toàn phần", anh Duy nói và khuyên người xem cần ở vị trí quan sát thật trống ở hướng đông và chân trời ít mây.
Đây là nguyệt thực lần thứ hai trong năm. Lần trước diễn ra ngày 14-15/5 nhưng Việt Nam không quan sát được. Theo các chuyên gia, khi quan sát nguyệt thực, người xem không cần thiết bị bảo vệ mắt mà có thể bằng mắt thường. Nhưng nếu sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ sẽ nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của mặt trăng.