Tóm tắt điều tra vụ World Press Photo tạm dừng công nhận tác giả ảnh “Em bé Napalm”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bức ảnh đoạt giải "Nỗi kinh hoàng của chiến tranh" (hay "Em bé Napalm"), được chụp vào tháng 6/1972 trong chiến tranh Việt Nam, từ lâu được ghi nhận là tác phẩm của Huỳnh Công Út (Nick Út), một phóng viên ảnh người Mỹ gốc Việt làm việc cho hãng tin Associated Press (AP). Tuy nhiên, những cáo buộc được nêu ra trong bộ phim tài liệu "The Stringer", cùng với phân tích hình ảnh của nhóm nghiên cứu INDEX tại Paris, đã đặt ra nghi vấn về tính chính xác của việc ghi nhận này.

Bức ảnh “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh” từng giành giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm (World Press Photo of the Year) và giải Pulitzer, được xem là tác nhân khơi dậy làn sóng phản chiến mạnh mẽ góp phần dẫn đến sự chấm dứt chiến tranh.

Tóm tắt điều tra vụ World Press Photo tạm dừng công nhận tác giả ảnh “Em bé Napalm” ảnh 1

Sau khi xuất hiện các cáo buộc, cả World Press Photo và AP đều tiến hành điều tra. Cần lưu ý: tính xác thực của bức ảnh không bị nghi ngờ, cũng không ai phủ nhận tác động và giá trị của bức ảnh xứng đáng với những giải thưởng đã nhận – điều duy nhất chưa được xác định rõ là tác giả thực sự của bức ảnh là ai.

Bối cảnh ra đời của bức ảnh

Bức ảnh mang tính biểu tượng được chụp ngày 08/6/1972, khi hơn chục nhà báo tập trung gần Trảng Bàng, Tây Bắc Sài Gòn, để đưa tin về một trận đánh khốc liệt giữa quân đội Bắc Việt và quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Khi các phóng viên, nhiếp ảnh gia và đoàn quay phim truyền hình đứng tại một chốt kiểm soát dọc Quốc lộ 1 – nơi có đông dân thường và binh lính của Sư đoàn 25 VNCH tập trung – họ chứng kiến một chiếc A-1 Skyraider thuộc Không quân VNCH (phi đoàn 518) ném bom napalm trúng chính lực lượng VNCH và dân thường đang tìm cách chạy thoát khỏi chiến sự.

Trong số những đứa trẻ chạy trốn có Phan Thị Kim Phúc, khi đó mới 9 tuổi. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc em bé trần truồng, gào khóc, bị bỏng nặng do napalm, đã lột tả trọn vẹn sự kinh hoàng của chiến tranh. Bức ảnh được đăng tải khắp thế giới và trở thành biểu tượng mạnh mẽ về tổn thất nhân đạo của chiến tranh.

Phương pháp điều tra xác thực tác quyền của bức ảnh

World Press Photo đã ủy nhiệm một cuộc phân tích điều tra độc lập. Trong quá trình đánh giá, nhóm điều tra ưu tiên các tài liệu hình ảnh (ảnh chụp và phim tư liệu) hơn các lời kể lại sau này, dù vẫn xem xét các nhân chứng. Nhiều nhân chứng và nguồn tin hiện nay không còn sống.

Bước then chốt để xác định tác giả - là xác minh ai có mặt tại hiện trường. Vụ ném bom và hậu quả tàn khốc được ghi nhận bởi một nhóm lớn nhà báo – 16 người được xác định có mặt, bao gồm nhiếp ảnh gia, ít nhất ba đoàn truyền hình và phóng viên báo in đang đưa tin về trận chiến ở Trảng Bàng ngày hôm đó.

Việc xác định ai có mặt và vị trí của họ đóng vai trò nền tảng cho quá trình phân tích bằng chứng hình ảnh và đánh giá các tuyên bố về quyền tác giả.

Các kho lưu trữ tin tức, ảnh chụp, phim tài liệu và hồi ký cá nhân được đối chiếu chéo. Một mốc thời gian theo tọa độ địa lý được tạo dựng dựa trên hình ảnh và dữ liệu vệ tinh. Các yếu tố kỹ thuật như mẫu máy ảnh, dấu hiệu trên film cũng được phân tích. Quá trình này kéo dài năm tháng, có sự tham gia phản biện từ AP, INDEX, ê-kíp làm phim và các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực nhiếp ảnh và lưu trữ.

Những vấn đề chưa được giải quyết

Vị trí của Nick Út: Các kết quả phân tích cho thấy Nguyễn Thành Nghệ có khả năng đứng gần hiện trường và thời điểm chụp ảnh hơn so với Nick Út. Các hình ảnh xác thực cho thấy Út ở vị trí xa hơn trước và sau thời điểm ảnh nổi tiếng được chụp. Cả INDEX và AP đều đồng ý rằng Nick Út xuất hiện trong phim ở vị trí phía sau hiện trường.

Tái dựng hiện trường của INDEX cho thấy việc Nick Út chụp ảnh, chạy 60 mét, rồi quay trở lại một cách bình tĩnh trong khoảng thời gian rất ngắn là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, AP cho rằng con số 60 mét không chính xác, cho rằng khoảng cách thực tế ngắn hơn, và việc di chuyển đó vẫn khả thi, đặc biệt khi có khoảng trống trong dữ liệu hình ảnh và lời kể của Út về việc thay đổi vị trí.

Do có đoạn phim bị thiếu, thời điểm chính xác vẫn không thể xác định được. Cũng có khả năng Nick Út đã di chuyển mà không bị ghi lại. Phân tích của World Press Photo cho rằng việc di chuyển như vậy là khó xảy ra – dù khoảng cách là 30 hay 60 mét – nhưng không phải không thể. Khi không có đoạn ghi hình liên tục, câu hỏi về tính xác thực vẫn để ngỏ.

Tóm tắt điều tra vụ World Press Photo tạm dừng công nhận tác giả ảnh “Em bé Napalm” ảnh 2
Hình ảnh từ đoạn video của ITN cho thấy một bóng người ở xa đang tiến lại gần, được cho là Nick Út.

Nguồn: Getty Images. Chú thích do World Press Photo thêm.

Dấu vết kỹ thuật

AP kết luận rằng bức ảnh có thể được chụp bằng máy ảnh Pentax – trùng khớp với thiết bị của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ chứ không phải của Nick Út.

Nick Út nhiều lần nói ông dùng hai máy Leica và hai máy Nikon. Điều này đặt ra nghi vấn về quyền tác giả của ông và củng cố cho tuyên bố của Nguyễn Thành Nghệ.

Dù vậy, AP cũng cho rằng không loại trừ khả năng Nick Út đã dùng một chiếc Pentax vào ngày hôm đó, nhưng đến nay chưa có bằng chứng xác thực.

Tóm tắt điều tra vụ World Press Photo tạm dừng công nhận tác giả ảnh “Em bé Napalm” ảnh 3
Nguyễn Thành Nghệ (trái) xuất hiện với một chiếc máy ảnh giống mẫu Pentax – loại mà ông cho biết đã sử dụng trong ngày hôm đó.

Nick Út (phải) được nhìn thấy mang theo nhiều máy ảnh trong cùng ngày. Nick Út từ lâu cho biết mình sử dụng hai máy Nikon và hai máy Leica, nhưng gần đây nói với AP rằng có thể ông cũng mang theo một chiếc Pentax. Không có bức ảnh nào trong ngày hôm đó xác nhận đầy đủ các máy ảnh mà ông mang theo.

Nguồn: Getty Images.

Một nhiếp ảnh gia khác có thể là tác giả bức ảnh:

Một yếu tố quan trọng nữa là điều tra của AP cho thấy cuộc tranh luận không chỉ dừng lại ở Nick Út và Nguyễn Thành Nghệ.

Vai trò của nhiếp ảnh gia quân đội Việt Nam – Huỳnh Công Phúc – người từng cung cấp ảnh cho các hãng tin quốc tế – trước nay chưa từng được xem xét kỹ. Huỳnh Công Phúc từng bị nhầm là Nick Út, và trong phim tư liệu, ông xuất hiện ở vị trí gần thời gian và địa điểm chụp bức ảnh đó nhất.

Việc xuất hiện một khả năng thứ ba càng cho thấy những giới hạn cố hữu trong nỗ lực tìm kiếm sự thật từ một sự kiện hỗn loạn đã xảy ra cách đây gần 53 năm.

Nếu chỉ xét giữa Nick Út và Nguyễn Thành Nghệ, bằng chứng hình ảnh và kỹ thuật hiện có đang nghiêng về phía Nguyễn Thành Nghệ.

Hơn nữa, sự hiện diện xác thực của ít nhất một nhiếp ảnh gia tiềm năng khác càng khiến cho quyền tác giả của bức ảnh thêm phần không chắc chắn. Những yếu tố này là lý do xác đáng và đáng tin cậy để hoài nghi việc ghi nhận rằng Nick Út là tác giả bấy lâu nay.

Vì chưa có bằng chứng hoàn toàn chính xác, và cho đến khi có chứng cứ xác thực được đưa ra, World Press Photo quyết định tạm ngừng ghi nhận tác giả của bức ảnh “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh” (Em bé Napalm).

Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Tháng 1/2025, phát biểu tại lễ trao giải Búa liềm vàng lần thứ IX, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra dấu mốc đặc biệt “năm 2025, nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi - một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng đồng hành cùng sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam”.