Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư tay chúc Tết cô giáo cũ

 Dịp Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến gần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tay chúc mừng cô giáo Đặng Thị Phúc, một cô giáo tiểu học của ông.

Bức thư với những lời giản dị, mộc mạc được viết vào ngày 25/1/2019 (tức ngày 20 tháng Chạp) vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được cô giáo Phúc nhận với niềm vui mừng, cảm động và đầy tự hào về cậu học trò cũ.

Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời kính thăm cô giáo cũ và gia đình. Ông kính chúc thầy cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ, an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới.

Trong phần tái bút, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng viết: "Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo".

Cô giáo Đặng Thị Phúc (nay 86 tuổi) là giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Sau khi học xong sư phạm, cô Phúc về xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) dạy học.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư tay chúc Tết cô giáo cũ ảnh 1

Hình ảnh bức thư Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc mừng năm mới cô giáo Đặng Thị Phúc được gia đình cô trân trọng, xúc động chia sẻ.

Lớp 4 cô dạy, số lượng học sinh của xã Mai Lâm ít quá nên phải kết hợp với xã Đông Hội để đủ một lớp. Mai Lâm 33, Đông Hội 15 em với nhiều độ tuổi khác nhau cùng tụ tập về mái đình thôn Mai Hiên học tập. Học trò lớn nhất lớp tên Duy, là lớp trưởng và bằng tuổi cô giáo. Còn học trò nhỏ nhất, ở xã Đông Hội ngày ấy chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bây giờ.

Giữa đám học trò lam lũ đủ mọi lứa tuổi, học trò Trọng để lại ấn tượng sâu sắc nhất với cô bởi nhỏ tuổi nhất nhưng lại học giỏi nhất lớp, rất thông minh, hăng say giơ tay phát biểu, chữ viết tròn và đẹp.

Trong ký ức của cô giáo Phúc, trò Trọng ngày ấy đi học từ nhà ở thôn Đông Trù phải qua thôn Lê Xá, vượt qua một cánh đồng mới đến được lớp. Suốt thời gian học lớp 4 cậu chỉ mặc mỗi bộ quần áo bà ba xử tà màu nâu, đi chân đất không kể đông hay hè. Nhưng với sự thông minh và nỗ lực, chăm chỉ, học trò Trọng cuối năm đã xuất sắc đứng vị trí thứ nhất, đại diện học sinh giỏi toàn diện báo cáo điển hình trước toàn trường.

Trò Trọng lên học trường cấp 2 Nguyễn Gia Thiều nhưng vẫn thường cùng anh lớp trưởng Duy đến thăm cô Phúc. Sau đó, cô chuyển nhà đi nơi khác nên hai cô trò mất liên lạc.

Sau hai năm dạy lớp 4, cô Phúc đi học và ra dạy cấp 2, môn Toán. Cô nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Năm 2001, sau khi dự buổi họp mặt với học sinh lớp 4 năm ấy, cô Phúc được báo tin "Cô ơi, học trò Phú Trọng bây giờ làm to lắm".

Vui mừng vì sự trưởng thành của trò Trọng, cô giáo Đặng Thị Phúc đã ấp ủ tâm tư viết nên bài thơ đề "Người trò nhỏ năm xưa" (tặng N.P.T). Thế nhưng mãi đến năm 2005, cô mới có dịp đọc bài thơ này ở hội thơ nhà giáo. Cô không ngờ, chính bài thơ đó đã giúp "Người trò nhỏ năm xưa" tìm lại cô giáo mình.

Vài hôm sau, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bất ngờ tìm đến thăm cô giáo tiểu học cũ của mình. Lúc bước vào nhà, ông Nguyễn Phú Trọng trách "mấy chục năm rồi mới được gặp, thế mà cô còn không cho em đến ". Cô trò cứ nhìn nhau xúc động không nói nên lời.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư tay chúc Tết cô giáo cũ ảnh 2

Tổng Bí thư đến nhà thăm cô giáo cũ năm 2011

Nhận được bức thư tay giản dị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết, gia đình cô giáo Đặng Thị Phúc vô cùng cảm động, và trân trọng tình cảm tri ân chân thành, giản dị trong thư của người đứng đầu đất nước.

Chị Trần Thị Xuân Phương, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, con gái của cô Đặng Thị Phúc (86 tuổi) cho biết: "Mẹ tôi sức khỏe đã yếu nhiều nhưng nhận được tình cảm, sự quan tâm của những người học trò cũ trong dịp Tết này khiến bà được tiếp thêm sức lực và niềm vui trong cuộc sống".

Trao đổi với PV Dân trí, chị Hồng Mai, con gái thứ hai của cô Đặng Thị Phúc (86 tuổi) tâm sự: “Thực ra thư tay ở thời đại này, một người nào viết cho người nào cũng là hiếm có khó tìm, ở đây lại là một người đứng đầu đất nước viết thư (mà còn là thư tay) để chúc mừng cô giáo cũ khiến gia đình vô cùng xúc động. Bố tôi có làm một thống kê nhỏ biết được rằng, qua 20 năm cả hai bên gia đình họ hàng nội ngoại có tổng cộng hơn 100 thầy cô giáo. Nghề giáo là nghề truyền thống của gia đình chúng tôi, tôi trước đây cũng là giáo viên của trường Sư phạm nhưng gia đình chúng tôi không nghĩ có một ngày lại nhận được thư của người lãnh đạo ở cương vị đứng đầu đất nước.

Bác Trọng và gia đình tôi có tình cảm thân thiết từ lâu mặc dù không có thời gian gặp gỡ nhưng lúc nào bác cũng dành cho mẹ tôi, các cô, các chú trong gia đình tôi tình cảm đẹp. Nhận được thư bác Trọng, gia đình chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp trong từng câu chữ. Quả là một niềm hạnh phúc vô cùng to lớn trong dịp Tết đến, Xuân về.

Một bức thư tay, với chúng tôi, là tình cảm chân thành, độc đáo trong thời buổi này. Cầm bức thư tay, tôi thấy hoài cổ cũng có cái hay cái đẹp  và gia đình mình thật diễm phúc vì mẹ có người học trò tuyệt vời bác Trọng.

Thông qua báo Dân trí, tôi xin thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - người bạn thân thiết, người học trò quý của mẹ tôi. Kính chúc bác luôn mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc, lãnh đạo đất nước Việt Nam phát triển ngày càng phồn vinh”.

Theo Dân Trí
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.