Chính quyền Moon muốn thông qua khoản ngân sách cao kỷ lục 513,5 nghìn tỷ won (438,7 tỷ USD) cho năm 2020 - tăng 9,3% so với năm nay, theo Korea Herald. Chi tiêu được trải đều trên các lĩnh vực đầu tư công nghiệp, các chương trình dành cho người cao tuổi và thanh niên và quan trọng nhất là quân đội.
Ngân sách cho quân đội Hàn Quốc sẽ tăng 7% trong năm tới, khoảng 50 nghìn tỷ won (42 tỷ USD), AFP đưa tin. "Một nền quốc phòng mạnh mẽ rất quan trọng cho sự tự quyết", ông Moon nhấn mạnh.
"Chúng tôi sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ cốt lõi bằng cách tăng cường các khí tài như tàu ngầm thế hệ mới và vệ tinh giám sát", ông Moon nói. Hàn Quốc đã bắt đầu mở rộng hải quân, bao gồm chế tạo tàu khu trục tên lửa mới, tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu sân bay trực thăng. Chính quyền Seoul sẽ mua thêm 20 máy bay tàng hình F-35 từ Mỹ.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng chịu một phần gánh nặng hỗ trợ cho lực lượng thường trú của Mỹ gồm 28.500 binh sĩ. Dư luận nước này phản đối sự gia tăng gánh nặng chi phí đối với mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy lên tới 923 triệu USD vào năm tới.
Việc tăng ngân sách là chìa khóa để lấp lỗ hổng của Hàn Quốc trong bối cảnh nền kinh tế đang dần chậm lại và nhằm thoát khỏi viễn cảnh vay tiền từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tổ chức này khuyên Seoul nên tăng cường đầu tư nhà nước để kích thích nền kinh tế.
Song song với việc tăng ngân sách quốc phòng là kế hoạch cắt giảm 1/3 nhân sự quân đội Hàn Quốc trong vài năm tới do tỷ lệ sinh giảm.
"Tài chính công đang phải dẫn đường để giải quyết các vấn đề cơ cấu trong xã hội của chúng ta như tăng trưởng thấp, phân cực kinh tế, việc làm, tỷ lệ sinh thấp và dân số già. Mục tiêu cuối cùng là đổi mới, công bằng và nền kinh tế hòa bình là một chìa khóa cho sự thịnh vượng xã hội", ông Moon nhấn mạnh trong bài phát biểu.
"Nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi nhanh chóng do tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng bởi các nền kinh tế lớn của thế giới", ông Moon nói với các nhà lập pháp.
Hàn Quốc hiện được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, với GDP là 1,7 nghìn tỷ USD trong năm 2018, theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tăng trưởng GDP của nước này được dự báo ở mức 2% trong năm tới. Tuy nhiên, dân số dự kiến sẽ giảm nhẹ do quốc gia này có tỷ lệ sinh thấp.
Mặc dù có sự gia tăng, tỷ lệ nợ của chính phủ sẽ không vượt quá 40% tổng GDP, tờ Pulse News có trụ sở tại Seoul đưa tin.
Tiểu ban điều chỉnh ngân sách sẽ bắt đầu phân tích và cân nhắc ngân sách vào ngày 11/11 và Quốc hội phải phê chuẩn ngân sách năm 2020 trước ngày 2/12.