Động thái trên được đưa ra sau khi Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước nhất trí thực hiện các bước để tiến tới tước quy chế "tối huệ quốc" của Nga. Trước đây, với quy chế này, Moskva được hưởng mức thuế thấp, cũng như các lợi ích khác khi là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh và đối tác khác của Mỹ đang áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine đã diễn ra hơn một tháng.
Các chuyên gia cho rằng thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm của Nga sẽ tăng từ 3% lên trung bình khoảng 30%. Theo luật mới ban hành, Belarus cũng sẽ mất quy chế tối huệ quốc. Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của nước này, với kim ngạch thương mại hai chiều 28 tỷ USD vào năm 2019.
Cũng trong ngày 8/4, Tổng thống Biden cũng đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga. Ông đã ký sắc lệnh cấm dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng, than đá và các sản phẩm năng lượng khác của Nga. Ngoài ra, Mỹ thông báo tiếp tục mở rộng các biện pháp nhằm kiềm chế xuất khẩu của Nga và Belarus, theo đó hạn chế nhập khẩu những mặt hàng như phân bón hay van đường ống. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng giới hạn các chuyến bay sử dụng máy bay do công ty Mỹ sản xuất nhưng có chủ sở hữu, bên thuê là người Belarus bay đến Belarus. Bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo sẽ yêu cầu công dân Nga và Belarus cần có giấy tờ đặc biệt nếu muốn sở hữu hàng hóa từ các nhà cung cấp Mỹ.