Theo Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh), dù đã xác định tinh thần vừa dạy học, vừa chống dịch nhưng chưa bao giờ nhà trường gặp nhiều khó khăn như hiện tại. Có những ngày, nhà trường phải liên tục xử lý các ca F0 từ sáng đến trưa, đồng thời chuyển đổi phương thức dạy học cho các lớp do tình trạng giáo viên mắc COVID-19 không thể trực tiếp giảng dạy.
Bên cạnh tình trạng thiếu hụt giáo viên, nhiều trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng vì các cô đều là F0, một số đơn vị do chưa tuyển được người mới sau nhiều tháng trường đóng cửa.
Lãnh đạo một trường trung học cơ sở ở Quận 1 cho biết, trong đợt dịch vừa qua, lực lượng bảo mẫu của trường đã nghỉ việc gần hết. Việc tìm người thay thế hiện đang gặp khó khăn do không có nguồn. Trong đó, mức lương bảo mẫu hiện cũng không hấp dẫn người lao động nên trường chưa thể tuyển được người mới. Do áp lực gửi con học bán trú của phụ huynh quá cao, trường đành động viên giáo viên kiêm luôn nhiệm vụ bảo mẫu. Thế nhưng, những ngày gần đây, số giáo viên là F0, F1 ngày một tăng dẫn đến việc thiếu giáo viên đứng lớp kéo theo thiếu luôn cả người phụ trách công tác ăn, ngủ cho học sinh.
Tương tự, theo lãnh đạo một Trường Trung học cơ sở tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã ngưng bán trú từ đầu tháng 3/2022 để theo dõi thêm về diễn biến tình hình dịch bệnh. Thay vì tổ chức cho học sinh ăn, ngủ, học tập và sinh hoạt cả ngày trong trường, nhà trường chỉ tổ chức dạy trực tiếp một buổi, buổi còn lại học sinh sẽ học trực tuyến.
Đưa ra thực trạng về việc tổ chức bán trú cho học sinh tại trường trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trở lại, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, những trường còn đang "cầm cự" bán trú thì tình hình F0, F1 biến động theo từng ngày nên công tác tổ chức ăn, ngủ cho học sinh rất bị động. Tuy nhiên, nếu học sinh không ăn trưa thì trường không thể thu tiền ăn của phụ huynh được. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để trường bù lỗ cho tình trạng trên vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, hiện, các trường đều được cấp ngân sách để chi cho các hoạt động giáo dục. Ngân sách này sẽ được cấp theo số học sinh hiện có của mỗi trường. Tuy nhiên, nhà trường phải trích một phần từ khoản này để chi cho các hoạt động chống dịch như: mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh, mua các loại nước khử khuẩn để vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, mua đồ bảo hộ cho nhân viên y tế và giáo viên sử dụng trong những trường hợp có trẻ nghi mắc COVID-19... Khi trường đã cắt một phần lớn khoản kinh phí này để chi cho công tác phòng, chống dịch thì dĩ nhiên phần còn lại dùng cho các hoạt động giáo dục học sinh sẽ giảm.
Cô Cao Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 10 (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thời kỳ dịch bệnh, phụ huynh đa số cũng đang khó khăn. Nhiều người đã phải nghỉ việc ở nhà suốt mấy tháng trời, nay được đi làm trở lại, mới gửi con được mấy ngày nên nhà trường không thể đã huy động tiền quỹ. "Nhà trường may mắn vì có phụ huynh làm việc tại một đơn vị sản xuất nước rửa tay và dung dịch sát khuẩn nên được tài trợ, không phải bỏ kinh phí ra mua. Ngay cả dung dịch Cloramin B, nhà trường cũng được một đơn vị quân đội hỗ trợ. Họ còn giúp trường thực hiện phun, xịt khuẩn những khi cần thiết", cô Cao Thị Ngọc Lan nói.
Đồng quan điểm, theo một số hiệu trưởng ở Quận 1, Quận 3, trong giai đoạn hiện nay, trường không thể thực hiện xã hội hóa theo kiểu kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh. Thay vào đó, hiệu trưởng phải tận dụng tất cả các mối quan hệ của bản thân, của trường để tìm những nhà hảo tâm có tiềm lực và xin hỗ trợ.
Hiện các trường đang linh động ứng phó với dịch bệnh. Qua khảo sát thực tế tại các điểm trường, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, việc tổ chức học bán trú của học sinh tại trường học tại các Quận 1, 3 và 7… cơ bản tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhà trường cần lưu ý việc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; học sinh không dùng chung các đồ dùng cá nhân; tăng cường vệ sinh, sát khuẩn tay nhanh tại các lớp học. Trường tận dụng tối đa các phòng học, hội trường làm nơi ngủ trưa, đảm bảo giãn cách giữa 2 học sinh tối thiểu 1 m; tận dụng tối đa ánh sáng và thông khí tự nhiên để đảm bảo tăng luồng không khí sạch từ ngoài vào; cần có phương án tối ưu xử lý thường xuyên các vật dụng như mền, gối, chiếu…
Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, quy trình xử trí khi phát hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm đến giáo viên, công nhân viên trong trường và phụ huynh học sinh. Trong công tác chuẩn bị, nhà trường cũng bố trí phòng cách ly tạm thời, có đầy đủ các vật dụng vệ sinh khử khuẩn, khẩu trang và sinh phẩm xét nghiệm để chủ động xử trí kịp thời khi phát hiện học sinh có biểu hiện nghi ngờ.
Đồng thời, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp trong công tác phòng, chống dịch. Phụ huynh chủ động theo dõi sức khỏe của con, khi có triệu chứng ho, sốt thì tự lấy mẫu test nhanh và cho các em ở nhà để phòng, tránh dịch bệnh.
Bên cạnh những thuận lợi, nhà trường cũng gặp những khó khăn về nhân sự do thầy cô cũng phải tuân thủ việc cách ly theo quy định khi thuộc đối tượng giám sát F0, F1; thiếu nhân viên phụ trách Phòng y tế trường, các thầy cô phải kiêm nhiệm hỗ trợ; các trường còn thiếu các tài liệu truyền thông bản giấy để in treo tại trường.
Riêng đối với nhu cầu bổ sung nhân viên y tế trường học, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo để có những đề xuất với UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo số lượng nhân viên y tế học đường trong các trường học. Trong thời gian tới, các trường đại học sẽ hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao chất lượng chuyên môn cho các nhân viên y tế học đường tại các trường để có thể hoạt động hiệu quả hơn.
"Song song đó, nhà trường cũng cần thường xuyên theo dõi cập nhật kịp thời những văn bản, quy định mới trong công tác phòng, chống dịch để áp dụng phù hợp tại đơn vị. Trường phải bố trí sắp xếp lại thời khóa biểu cho giáo viên bộ môn để đảm bảo học sinh lớp đó vẫn được đi học trực tiếp", ông Nguyễn Hữu Hưng nói.
Để chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị đã khảo sát lấy ý kiến phụ huynh. Trong đó, Quận 3 có hơn 50% phụ huynh cấp mầm non đồng ý tiêm vaccine; cấp tiểu học có 94%, khối lớp 6 có 77,5% phụ huynh đồng ý cho con tiêm vaccine.
Ngành Giáo dục sẽ chủ động đề xuất các điểm tiêm, ngành Y tế sẽ thực hiện thẩm định an toàn. Các quận, huyện cần chuẩn bị số lượng, điểm tiêm hoàn chỉnh ngay từ đầu. Vì đối tượng tiêm là những em có lứa tuổi rất nhỏ, nên cần hạn chế tối đa việc điều chỉnh kế hoạch tiêm để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo ông Dương Trí Dũng, các ca nhiễm hiện chưa có chiều hướng giảm. Trung bình mỗi ngày các trường học trên địa bàn thành phố phát hiện khoảng 200 ca nghi mắc COVID-19, chưa kể các trường hợp học sinh nghi nhiễm khác được phát hiện tại gia đình...
Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, các đơn vị cần có kế hoạch linh hoạt chuyển đổi dạy học trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, các đơn vị cần chủ động nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống dịch đối với các hoạt động bán trú, căn tin. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế đang phối hợp để kiểm tra, rà soát lại bộ tiêu chí an toàn trong trường học để trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm ban hành điều chỉnh phù hợp với tình hình mới hiện nay, trong đó có những yêu cầu, điều chỉnh mà nhà trường phải ưu tiên bảo đảm.