Tại kỳ họp thứ 7 - kỳ họp chuyên đề Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm mon, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn thành phố theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, khung học phí năm học mới theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định mức sàn thu học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị, nông thôn tương ứng với nhóm 1 và 2 của thành phố là từ 100.000 đồng/tháng/học sinh đến 300.000 đồng/tháng/học sinh với các bậc học.
Theo quy định, học sinh nhóm 1 thuộc các Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và thành phố Thủ Đức. Học sinh nhóm 2 ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Theo đó, mức thu học phí năm học 2022 - 2023 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên như sau: Đối với học sinh nhóm 1 (trừ học sinh cấp tiểu học không phải đóng học phí) học sinh ở các cấp học nhà trẻ, mẫu giáo, THCS, THPT đóng học phí 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Đối với học sinh nhóm 2, cấp nhà trẻ là 120.000 đồng/học sinh/tháng, mẫu giáo là 100.000 đồng/học sinh/tháng, THCS là 100.000 đồng/tháng và THPT là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Bậc tiểu học không thu học phí.
Như vậy, nếu so sánh với mức học phí năm học 2021 - 2022 thì cấp THCS, GDTX THCS có mức tăng học phí cao nhất, chênh lệch lên đến 240.000 đồng/tháng ở nhóm 1 và 70.000 đồng/tháng đối với nhóm 2. Kế đến, học sinh THPT và GDTX THPT có mức tăng chênh lệch 180.000 đồng/tháng đối với học sinh nhóm 1 và chênh 100.000 đồng với học sinh nhóm 2; mẫu giáo từ 160.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, chênh 140.000 đồng/tháng; nhà trẻ mức từ 200.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng.
So sánh mức chênh lệch của khung mức thu 2022 - 2023 đề xuất so với mức thu trước đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận định, khung thu học phí đang đề xuất thực hiện là đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người học. Việc thu học phí góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục, khuyến khích và luôn tạo điều kiện cho học sinh thuộc các diện chính sách có điều kiện được đi học; góp phần cho ngân sách nhà nước nâng cao mức đầu tư trên mỗi học sinh; giúp điều tiết ngân sách đầu tư nhiều hơn ở nơi còn nhiều khó khăn, thực hiện tốt tính công bằng trong hệ thống giáo dục.