Sau 7 năm khởi công, đạt 44% khối lượng
Đây là tuyến nằm trong tổng thể chủ trương đầu tư các dự án khép kín đường Vành đai 2 tại TP.HCM. Theo quy hoạch, đường Vành đai 2 có tổng chiều dài 64km, quy mô 6-10 làn xe. Báo cáo của Sở GTVT TP.HCM vào cuối năm 2023 cho thấy có khoảng 50km được đưa vào khai thác, 14km còn lại chia làm 4 đoạn đang triển khai thực hiện.
Đường Vành đai 2 TP.HCM có khoảng 50km được đưa vào sử dụng, còn lại 14km chia thành 4 đoạn đang triển khai, theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM. |
Theo đó, đoạn 1 dài 3,5km từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (Xa lộ Hà Nội cũ); đoạn 2 dài 2,5km từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng; đoạn 3 dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến Nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1A và đoạn 4 dài 5,3km từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh.
Các đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 4 dự kiến được đầu tư bằng ngân sách thành phố, đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Riêng đoạn 3 là dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến Nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1A (gọi tắt là tuyến kết nối 2,7km) được thành phố phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công tư năm 2015 và ký hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) với Liên danh các nhà đầu tư năm 2016, doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái.
Tổng giá trị dự án hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.800 tỷ đồng và giá trị dự án BT (chi phí xây dựng) hơn 944 tỷ đồng (hiện cơ cấu vốn đã thay đổi, lần lượt là 1.410 tỷ đồng và 1.135 tỷ đồng). Dự án được khởi công năm 2017 chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 xây mới hai nhánh đường song song hai bên tuyến chính (3 làn xe/nhánh), xây mới 3 cầu Rạch Lùng, cầu Rạch Ông Việt và cầu Rạch Gò Cát cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.... Giai đoạn 2 được thực hiện bằng dự án riêng xây dựng phần đường chính (8 làn xe) và các hạng mục liên quan.
Ban đầu, dự án xây dựng có thời gian hoàn thành trong vòng 2 năm từ 2015-2017, sau đó được điều chỉnh thành 2015-2023. Sau khởi công một thời gian, dự án phải tạm dừng ở thời điểm tháng 3/2020 với lý do được nêu tại nhiều tài liệu bởi công tác giải phóng mặt bằng và chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư.
Cầu Rạch Lùng hiện tại. Theo nhà đầu tư, khối lượng đạt 47%. |
Ghi nhận thực tế vào đầu tháng 3/2024, trên toàn công trường không thấy nhân công làm việc. Một vài đoạn có nhà chỉ huy, máy móc và bảo vệ trông coi. Phần lớn dự án vẫn là đường đất, cây cối mọc khắp nơi, vật liệu xây dựng từng khối lớn chất ngổn ngang, một số căn nhà đã di dời nhưng chưa được giải toả, thu hồi mặt bằng, vài hộ dân vẫn sinh sống bên trong phạm vi dự án.... Hai cầu được thi công phần thô rồi dừng, sắt thép hoen rỉ chọc lủa tủa.
Theo báo cáo của nhà đầu tư cuối năm 2023, tổng khối lượng thi công dự án đạt gần 44%. Trong đó, khối lượng thực hiện Gói thầu xây lắp 1 là 0% do mặt bằng tiếp nhận nhỏ lẻ, không đủ diện tích để thực hiện. Gói thầu xây lắp số 2 đạt khối lượng gần 60% (riêng hạng mục xây dựng cầu Rạch Ông Việt đạt 97%, cầu Rạch Gò Cát khoảng 99% và cầu Rạch Lùng đạt 47%). Gói thầu thi công cọc gia cố đạt 75%. Tổng giá trị sản lượng đến cuối năm 2023 hơn 447 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT TP.HCM, tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án hơn 20,6ha với 467 hồ sơ bị ảnh hưởng. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Thủ Đức (chủ đầu tư dự án độc lập) tính đến cuối năm 2023 hoàn thành bồi thường, hỗ trợ 442/467 hồ sơ với diện tích 18,5ha/20,6ha, bố trí tái định cư cho 81 trường hợp, thu hồi mặt bằng 392/467 hồ sơ (tương đương 16,8ha, đạt tỷ lệ 79%), chưa thu hồi 75/467 hồ sơ (tương đương 3,84ha).
Nhà đầu tư đã tạm ứng, thanh toán phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 960 tỷ đồng (và giá trị xây lắp hơn 447 tỷ đồng). Dự kiến, tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng đến 6/2024 và hoàn thành công trình năm 2025, theo Sở GTVT. Trước khi dự án được điều chỉnh thời gian (2015-2026), phía doanh nghiệp có văn bản cam kết thời hạn hoàn thành là tháng 12/2026 bao gồm công tác kiểm toán, quyết toán.
Nhiều vị trí chưa có mặt bằng, một số nhà dân đã di dời đi nơi khác nhưng chưa được giải toả. |
Về công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, phóng viên đã liên hệ ông Hoàng Tùng – Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và đang đợi phản hồi. Tuy nhiên, tại văn bản 6462 ngày 25/10/2023, UBND TP.Thủ Đức thừa nhận có chậm trễ do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. “Cụ thể là từ năm 2019 đến nay nhà đầu tư không tiếp tục chuyển kinh phí như hợp đồng ký kết nên Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức không có kinh phí để thực hiện tiếp tục các công việc chi trả tiền bồi thường, dẫn đến rất khó khăn trong công tác thu hồi mặt bằng, cá biệt có trường hợp hộ dân tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng nhưng không có tiền chi, hiện hộ dân phải tự lo thuê nhà (trường hợp ông L.P.T)”. Về thời gian hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban dự kiến sau một năm kể từ ngày nhà đầu tư tiếp tục chuyển kinh phí... để đáp ứng số tiền bồi thường còn lại theo yêu cầu về tiến độ dự án.
Chưa xong đường đã chuyển nhượng đất công?
Theo quy định, sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư bàn giao công trình cho TP.HCM quản lý, khai thác, sử dụng. Thời gian bảo hành trong 24 tháng tính từ ngày hoàn thành nghiệm thu, bàn giao. Theo hợp đồng BT, nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều khu đất công để thực hiện dự án khác và khai thác, kinh doanh, thu hồi vốn.
Kể từ khi hợp đồng BT được ký kết đến nay dự án đã giải ngân hơn 1.470 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Tương ứng giá trị đó, nhà đầu tư cho rằng giá trị lãi vay ước tính UBND TP.HCM phải chịu tới thời điểm hiện tại hơn 813 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 14,9 tỷ đồng. Từ dẫn chứng này, doanh nghiệp đề nghị thành phố nhanh chóng giao đất thanh toán giá trị hợp đồng BT để đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính (cũng như tháo gỡ các khó khăn). Đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc đình trệ của dự án từ năm 2020.
Dự án đình trệ từ năm 2020. |
Theo hợp đồng BT năm 2016, TP.HCM dự kiến sẽ dùng 5 khu đất công để thanh toán chi phí cho nhà đầu tư gồm: khu đất 234 Lý Tự Trọng (Q.1), khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng (nay là Lê Văn Duyệt, Q.Bình Thạnh), khu đất 582 Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), khu đất 132 Đào Duy Từ (Q.10) và khu đất 12 Kỳ Đồng (Q.3). Tổng với diện tích hơn 32.000m2. Ngoài khu đất ở đường Kinh Dương Vương, các khu còn lại đều nằm ở khu vực trung tâm thành phố với giá đất nền thị trường lên đến hàng trăm triệu đồng/m2 có thể mang về một khoản tài lợi rất lớn.
Nhiều năm qua, UBND TP.HCM và Sở TNMT cùng các Sở ngành liên quan ban hành nhiều văn bản đề cập vấn đề thẩm định quỹ đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư. Năm 2022, TP.HCM trình Thủ tướng chấp thuận cho phép sử dụng quỹ đất để thanh toán dự án BT theo quy định hiện hành (khi Nghị định số 69/2019/NĐ-CP có hiệu lực). Văn bản của nhà đầu tư vào tháng 12/2023 cũng thông tin đang gấp rút tiến hành các thủ tục định giá đất và các thủ tục hỗ trợ, di dời thu hồi mặt bằng đối với các khu đất này.
Như vậy, các khu đất kể trên hiện vẫn chưa được giao cho nhà đầu tư để thanh toán hợp đồng BT. Nhưng theo tài liệu phóng viên thu thập được, vào tháng 11/2016, nhà đầu tư đã ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty TNHH Joming tại khu đất số 132 Đào Duy Từ (P.6, Q.10) rộng hơn 10.000m2. Việc đặt cọc giá trị hợp đồng nguyên tắc này được chia thành nhiều đợt, mỗi đợt 74 tỷ đồng.
Khu đất số 132 Đào Duy Từ (Q.10) và một văn bản cập nhật tiến độ của nhà đầu tư vào năm 2022. |
Trong một tài liệu được công khai của nhà đầu tư vào năm 2022 có đoạn: “dự kiến sẽ chỉ triển khai dự án tại Kinh Dương Vương (11.000m2), các khu đất còn lại sẽ được bán lại sau khi nhận bàn giao do không phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể, đối với lô đất tại 132 Đào Duy Từ, công ty hiện đã ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng lô đất này cho Công ty TNHH Joming..., nhận khoản đặt cọc 74 tỷ VND từ đối tác. Giá trị lô đất sẽ được đánh giá lại trong trường hợp TP.HCM tính lại giá trị sử dụng đất”.
Khu đất 132 Đào Duy Từ có vị trí đắc địa hàng đầu thành phố, nằm sát sân vận động Thống Nhất, trước đây là trụ sở làm việc của nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước, hiện nay để trống. Nhà đầu tư giới thiệu sẽ triển khai dự án cao ốc 25 tầng với khoảng 700 căn hộ thế nhưng khi chưa được kịp hoàn thành 2,7km đường, chưa được thành phố giao đất, nhà đầu tư Văn Phú – Bắc Ái đã vội vã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Joming – doanh nghiệp có vốn điều lệ 65 tỷ đồng (2016), được thành lập trước ngày đặt bút ký tên khoảng 2 tháng.
Trước việc hàng loạt dự án được triển khai bằng hình thức BT dính sai phạm thời gian qua, vấn đề quản lý đất đai, quản lý tài sản công rất cần được làm rõ để đảm bảo tính minh bạch, tránh thất thoát ngân sách nhà nước và củng cố niềm tin của người dân chấp nhận nhường nơi ở để phục vụ dự án!.
Dự án BT đầu tiên gây thiệt hại cho nhà nước 44 triệu USD
Dự án Xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) có chiều dài 13,6km là dự án được thực hiện theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng đầu tiên ở TP.HCM do Công ty GS E&C Hàn Quốc làm nhà đầu tư với tổng mức 485,7 triệu USD (chi phí xây lắp gần 130 triệu USD, giải phóng mặt bằng 273 triệu USD).
Dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 1997. UBND TP.HCM chọn và ký hợp đồng BT với Công ty GS E&C vào năm 2007. Để phục vụ dự án, gần 4.000 hộ dân phải di dời với diện tích ảnh hưởng hơn 62ha và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Thế nhưng mãi đến giữa năm 2016, đoạn đường mới thông xe toàn tuyến.
Dự án xảy ra nhiều khiếu nại, tố cáo. Năm 2011, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận Thanh tra số 158/KL-TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm trong thẩm định năng lực nhà đầu tư và thanh toán các quỹ đất cho hợp đồng BT.
Giá trị con đường là 171,8 triệu USD được Công ty GS E&C lập vào đầu năm 2010 không có cơ sở khẳng định tính chính xác.
Thành phố dùng 5 khu đất Thảo Điền 1, Thảo Điền 2, số 90A Lý Thường Kiệt, Khu đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đất ở P.Long Bình, Q.9 với diện tích rất lớn để thanh toán hợp đồng BT. Thành phố giao cho Công ty GS E&C thuê 5 khu đất nhưng không trình HĐND TP là trái quy định; không chỉ đạo Công ty GS E&C và các ngành chức năng lập quy hoạch 1/500 đối với các khu đất được giao.
Thanh tra chỉ rõ, các khu đất được giao cho Công ty GS E&C thuê không có cơ sở để lập dự án và định giá. Các khu đất này được cho thuê không qua đấu giá, tự định giá 2 khu đất cho thuê, từ đó làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 44,304 triệu USD.
Ngoài dự án đã nêu, thời gian qua thành phố cũng triển khai nhiều dự án BT khác như: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hiện cũng đang chậm tiến độ và vướng mắc trong việc ký kết các phụ lục cũng như quỹ đất thanh toán cho chủ đầu tư; Dự án xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ hoàn thành năm 2013 với mức đầu tư ban đầu 1.275 tỷ đồng (sau đó tăng lên 2.792 tỷ đồng), hiện chủ đầu tư đang còn nợ ngân sách hơn 300 tỷ đồng.