TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cơ sở hạ tầng đường bộ tại TP.HCM đang chịu áp lực rất lớn trước tốc độ gia tăng dân số với thống kê có gần 9 triệu người sinh sống và làm việc vào năm 2023. Nhiều dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp đường giao thông được triển khai và đưa vào khai thác ít nhiều giải quyết vấn nạn kẹt xe, ùn tắc cho trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất cả nước.
Cơ sở hạ tầng đường bộ tại TP.HCM đang chịu áp lực rất lớn trước tốc độ gia tăng dân số với thống kê có gần 9 triệu người sinh sống và làm việc.
Cơ sở hạ tầng đường bộ tại TP.HCM đang chịu áp lực rất lớn trước tốc độ gia tăng dân số với thống kê có gần 9 triệu người sinh sống và làm việc.

Kể như năm 2023, nhiều tuyến đường như: mở rộng đường Lê Văn Chí (TP.Thủ Đức), đường Bình Đăng (quận 8), đường Lê Cơ (quận Bình Tân)..., các cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Long Đại (TP.Thủ Đức),... được đưa thông xe, tạo thuận lợi cho việc đi lại và kinh doanh, buôn bán của người dân.

Thành phố cũng khởi công hàng loạt dự án/gói thầu, như: Vành đai 3, Nút giao thông An Phú (TP.Thủ Đức), đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), Mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân).... Nhiều dự án trọng điểm khác được tái khởi động sau nhiều năm “trùm mền”, như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long.... và tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Nhưng trái lại, thành phố vẫn còn rất nhiều dự án khác được đầu tư bằng ngân sách hay các hình thức đối tác công tư, đổi đất lấy hạ tầng... với tổng vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng lay lắt gần 10 năm qua kể từ ngày được duyệt, đi kèm với đó là những bất cập để lại từ quá khứ khó lòng tháo gỡ trong một sớm một chiều, thậm chí nhiều dự án còn thấp thoáng bóng dáng của sai phạm đã từng xảy ra từ các hợp đồng xây dựng – chuyển giao.

Bài 1: Tuyến cửa ngõ gần 10 năm... bế tắc!

Đường Lương Định Của (TP.Thủ Đức) là tuyến cửa ngõ vô cùng quan trọng trong việc đi lại của người dân và kết nối giao thông khu Đông với khu vực trung tâm TP.HCM nhưng lại là một trong những cái tên điển hình của thi công trì trệ, chậm tiến độ.

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ ảnh 1
Đường Lương Định Của vào năm 2020 hư hỏng nghiêm trọng đoạn từ Nguyễn Hoàng đến Nút giao thông An Phú.

Cửa ngõ ùn ứ

Bắt đầu từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm và cách Q.1 chỉ vài phút đi bằng xe máy, đường Lương Định Của có tổng chiều dài khoảng 2,5km chạy xuyên qua các khu dân cư đông đúc thuộc nhiều phường ở TP.Thủ Đức, điểm kết thúc tại nút giao với đường Mai Chí Thọ - Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (gọi tắt là Nút giao thông An Phú).

Trước đây, đường Lương Định Của nằm ở tốp đầu danh sách các tuyến đường thường xuyên ngập nước mỗi khi trời mưa hoặc triều cường dâng, gây ra không biết bao nhiêu khổ sở cho cư dân và người đi đường. Vài năm trở lại đây, vấn đề ngập nước giảm xuống nhưng ùn tắc giao thông lại nổi lên khi lượng xe cộ đổ về Nút giao thông An Phú mỗi ngày mỗi đông đúc hơn.

Phóng viên có mặt tại đây vào lúc 17 giờ chiều ngày 8/3/2024, dòng xe từ tất cả các hướng đổ về nút giao này thì ùn ứ dẫu cho các tín hiệu đèn giao thông vẫn hoạt động bình thường. Xe máy, ô tô nhích từng chút, người đi đường thở dài ngao ngán. Vào giờ cao điểm buổi sáng cũng thường xuyên chứng kiến cảnh tương tự và điều này còn khủng khiếp hơn trong những ngày lễ, Tết.

Xe đông, công trình thi công Nút giao thông An Phú và dự án nâng cấp đường Lương Định Của thi công ì ạch, chậm tiến độ... đặc biệt là đoạn từ giao lộ Nguyễn Hoàng đến Nút giao thông An Phú dài khoảng 650m làm người dân di chuyển vô cùng khó khăn, CSGT luôn bố trí lực lượng túc trực để điều tiết.

Vào năm 2020, đoạn đường kể trên hư hỏng nghiêm trọng làm nhiều người đi đường té ngã, chấn thương. Sở GTVT TP.HCM và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) - đã thống nhất thi công sửa tạm với kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng để đảm bảo an toàn. Còn toàn tuyến lại tiếp tục chờ đợi?!

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ ảnh 2

Sau khi được sửa chữa tạm, hàng rào vẫn đặt giữa đường thay nhiệm vụ dải phân cách. Xe cộ ùn ứ vào giờ cao điểm buổi chiều tháng 3/2024.

Vướng ở đâu?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của được phê duyệt từ năm 2014. Ban đầu, dự án được giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, thuộc Sở GTVT TP.HCM làm chủ đầu tư, nay chuyển giao về Ban Giao thông. Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng mới khoảng 2,3km đường giao thông rộng 30m, xây dựng cầu Ông Tranh, vòng xoay, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... với tổng vốn đầu tư hơn 826 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Năm 2015, dự án được khởi công xây dựng. Trong đó, gói thầu xây lắp đoạn 1 (bao gồm cả xây dựng vòng xoay Trần Não – Lương Định Của và phần đường giao thông dài 950m) giá trị hơn 278 tỷ đồng do liên danh đại diện là Công ty Xây dựng Giao thông T&T thực hiện. Gói thầu xây lắp đoạn 2 dài hơn 1,1km giá trị 174 tỷ đồng do Liên danh Công ty Dầu khí IDICO – Tổng Công ty 319 đảm nhận. Tổng công ty 319 cũng trúng thầu và thi công hoàn tất cầu Ông Tranh trị giá hơn 118 tỷ đồng. Ngoài ra, các gói thầu cây xanh, chiếu sáng có giá trị hơn 38 tỷ đồng....

Khởi công được một thời gian, dự án phải ngưng cho đến giữa năm 2022 thì tái khởi động trở lại. Thế nhưng đến cuối năm 2023, dự án một lần nữa “trùm mền”. Hiện nay, dự án chỉ có vòng xoay Trần Não – Lương Định Của và khoảng 750m đường từ khu vực UBND P.An Khánh đến cầu Ông Tranh hoàn chỉnh. Đoạn từ đường Trần Não đến đường Nguyễn Hoàng có vài máy móc, thiết bị và nhân công nhưng làm việc cầm chừng. Nhiều lô cốt chắn nửa phần đường hiện hữu, cống thoát nước và vật liệu xây dựng chất ngổn ngang.

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ ảnh 3

Lô cốt chắn một nửa phần đường, đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Hoàng.

Tính đến cuối năm 2023, khối lượng đoạn Trần Não đến Nguyễn Hoàng ước đạt khoảng 85% nhưng nhiều vị trí phải ngưng thi công do vướng 4 trường hợp chưa giải phóng mặt bằng, trong đó có 3 hộ thuộc dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh rộng 131ha và 1 hộ dân thuộc dự án Khu dân cư Trường Thịnh. Tuy nhiên, phần quan trọng và khó thực hiện nhất không phải là đoạn vừa nêu mà là đoạn 650m từ đường Nguyễn Hoàng đến Nút giao thông An Phú – nơi thường xuyên xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm.

Khu vực từ Nguyễn Hoàng đến nút giao thông An Phú nhiều năm qua hoàn toàn không có dấu hiệu thi công. Sau khi sửa chữa tạm vào năm 2020, hàng trăm mét rào lưới B40 vẫn được đặt giữa đường làm nhiệm vụ như dải phân cách từ đó đến nay. Dọc hai bên đường, một vài trụ sở của các tổ chức được di dời, phần lớn còn lại là nhà dân và hàng quán đang kinh doanh, buôn bán.

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của có tổng cộng 346 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 80% đã bàn giao để phục vụ thi công. Đoạn từ đường Nguyễn Hoàng đến Nút giao thông An Phú có 22.000m2 (2,2ha) đất nằm trong ranh dự án Khu đô thị Phát triển An Phú do Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư chưa bàn giao được mặt bằng nào (trong số 64 hộ bị ảnh hưởng).

Phóng viên đã liên hệ với ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Giao thông để trao đổi các vấn đề liên quan đến tiến độ dự án, khối lượng xây dựng nhưng chưa nhận phản hồi. Trong khi đó, các văn bản của nhiều cơ quan chức năng tại TP.HCM nhiều lần đề cập đến trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích kể trên để hoàn tất dự án đúng tiến độ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ ảnh 4

Dự án sau nhiều lần khởi công - tạm dừng đến nay vẫn dang dở.

Đơn vị nào phải bồi thường?

Về việc bồi thường giải phóng mặt bằng trong ranh 2,2ha, một lãnh đạo Sở GTVT đề nghị phóng viên liên hệ với Sở TNMT để có thêm thông tin. Theo kết luận thanh tra của Sở TNMT, năm 2001, Thủ tướng có quyết định thu hồi hơn 87,3ha đất tại P.An Phú (Q.2, nay là TP.Thủ Đức), giao cho Công ty Dịch vụ và Phát triển đô thị TP.HCM (nay là Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm) sử dụng hơn 85ha để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính; phần đất còn lại hơn 22.000m2 (2,2ha) UBND TP.HCM quản lý để mở rộng lộ giới đường Lương Định Của.

Từ năm 2004-2012, Văn phòng UBND TP.HCM có nhiều thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo thành phố đối với phần diện tích 2,2ha; yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với UBND Q.2 thực hiện và sớm hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định.

Năm 2018, UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp rà soát pháp lý, xác định trách nhiệm thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng do đơn vị nào tham mưu thực hiện. Sở Tư pháp có văn bản trả lời xác định Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị TP.HCM (nay là Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm) có trách nhiệm bồi thường. Tiếp đó, thành phố chỉ đạo các Sở ngành và địa phương làm việc với doanh nghiệp để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nâng cấp đường Lương Định Của.

Cùng năm, UBND Q.2 có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM thống nhất điều chỉnh quy hoạch phần diện tích 2,2ha; tạm ứng kinh phí khoảng 191 tỷ đồng để quận thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; sau khi xác định được đơn vị chịu trách nhiệm thì đơn vị này phải hoàn trả lại kinh phí tạm ứng.

Đến tháng 10/2019, UBND TP.HCM có văn bản kết luận, giao các Sở ngành rà soát, lập tờ trình để thành phố báo cáo kiến nghị Thủ tướng về việc điều chỉnh. Một năm sau, Sở GTVT báo cáo, cho biết trong phần diện tích 2,2ha có một phần thuộc Nút giao thông An Phú, tiếp giáp với đường Lương Định Của.

Năm 2021, UBND TP.HCM kết luận, giao Sở TNMT chủ trì phối hợp các Sở ngành, Q.2 rà soát, kiểm tra quyết định giao đất, công tác bồi thường đối với khu đất 2,2ha do Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư; tham mưu giải pháp để sớm bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án Nút giao thông An Phú.

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ ảnh 5

Một phần kết luận thanh tra Sở TNMT về trách nhiệm bồi thường phần diện tích 2,2ha.

“Như vậy, việc bồi thường đối với phần diện tích 2,2ha thuộc quy hoạch lộ giới đường Lương Định Của trong dự án Khu đô thị Phát triển An phú đã được UBND TP.HCM xác định thuộc trách nhiệm của Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm nhưng đến nay công ty chưa có kế hoạch thực hiện. Hiện phần đất 2,2ha này có một phần thuộc ranh nút giao An Phú”, theo kết luận của Thanh tra Sở TNMT ban hành tháng 8/2023.

Cũng tài liệu trên thể hiện, UBND TP.Thủ Đức từng đề nghị Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm phối hợp các chủ đầu tư dự án thứ cấp rà soát pháp lý quy hoạch, pháp lý sử dụng đất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án, có phương án đẩy nhanh tiến độ...; đề xuất phương án khả thi để bồi thường, thu hồi khu đất 2,2ha phục vụ mở rộng đường Lương Định Của và phương án điều chỉnh quy hoạch 1/2000 có cập nhật lại ranh Nút giao thông An Phú...

Theo UBND TP.Thủ Đức, tổng cộng có 64 hồ sơ bị ảnh hưởng trên phần diện tích 2,2ha. Trong đó, đã hoàn tất xác nhận pháp lý 60 hồ sơ gồm: tiếp xúc hiệp thương theo đơn giá tuyến đường Lương Định Của 55 hồ sơ (3 đồng ý; 45 không đồng ý, đề nghị tái định cư tại chỗ hoặc chỉ đồng ý giải toả từ tim đường vào 15m, phần còn lại tiếp tục sử dụng; 7 hồ sơ chưa có ý kiến); 5 hồ sơ mời hiệp thương nhưng không đến. Còn lại 4 hồ sơ chưa hoàn tất pháp lý....

Các cơ quan chức năng kết luận Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm có trách nhiệm bồi thường nhưng doanh nghiệp này có văn bản đề nghị UBND TP.HCM “thực hiện đúng chủ trương... của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung giao UBND thành phố quản lý 2,2ha để mở rộng lộ giới đường Lương Định Của, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất 2,2ha... với nguồn ngân sách thành phố. Công ty sẽ phối hợp đền bù phần liền ranh các thửa đất giáp với dự án Khu đô thị Phát triển An Phú”.

Gần 10 năm kể từ khi dự án được phê duyệt nhưng đường Lương Định Của vẫn không thể về đích. Vấn đề trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích 2,2ha đất thuộc về đơn vị nào chưa có lời giải thì tiến độ hoàn thành con đường cửa ngõ nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài thêm! Việc này cũng ảnh hưởng dây chuyền đến tiến độ Nút giao thông An Phú với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng đang gấp rút thi công với mốc hoàn tất vào tháng 4/2025 tới đây.

Bài 2: 600m đường đổi đất lấy hạ tầng 8 năm chưa thi công

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?