TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ - Bài 2: 600m đường 8 năm chưa thi công

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tiếp giáp với đường Lương Định Của tại Nút giao thông An Phú (TP.Thủ Đức), dự án đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chỉ mới hoàn thành một đoạn gần 2,8km, phần còn lại khoảng 600m suốt hơn 8 năm chưa triển khai. Đáng chú ý, đây là dự án đổi gần 3,4km đường giao thông đất lấy 14,8ha đất sạch có nhiều điểm bất thường.

Bị thu hồi đất mới vội vã làm đường

Hai bờ Bắc và Nam sông Rạch Chiếc (thuộc Q.9 và Q.2, nay là TP.Thủ Đức) là một trong những khu vực được quy hoạch hình thành các khu đô thị, khu dân cư ở TP.HCM từ những năm 2000 cùng với đó là những tuyến đường giao thông quan trọng chạy ngang. Tuy nhiên, những sai phạm trong quản lý đất đai liên tiếp xuất hiện, có thể kể đến dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc được Thanh tra TP.HCM chuyển hồ sơ sang Công an TP.HCM cách đây vài năm.

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ - Bài 2: 600m đường 8 năm chưa thi công ảnh 1

Khu đất từng được TP.HCM chấp thuận để thanh toán cho hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) của Dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2.

Đó là bờ Bắc, còn ở bờ Nam, vấn đề quản lý đất đai cũng nhiều lần được chính quyền thành phố và sở ngành nhắc đến. Năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo thu hồi khu đất từng được chấp thuận để thanh toán cho hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) của Dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2 (gọi tắt là đường song hành cao tốc), dài gần 3,4km, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án được khởi công vào ngày 29/4/2017 với quy mô 4 làn xe, rộng 20m được chia làm hai đoạn (đoạn 1 từ đường Mai Chí Thọ đến đường Đỗ Xuân Hợp dài gần 2,8km và đoạn 2 từ đường D11 kéo dài đến đường Vành đai 2 dài khoảng 600m). Toàn tuyến sẽ xây dựng mới 3 cầu: Bà Dạt, Mương Kênh và Bà Hiện; xây dựng cải tạo các nút giao, các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như hệ thống thoát nước mưa, cây xanh, chiếu sáng.

Tổng vốn đầu tư của dự án đường song hành cao tốc gần 870 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong vòng hai năm. Sau ngày khởi công, một đoạn ngắn đường giao thông trước mặt khu đất gắn bảng Dự án Senturia An Phú được hoàn tất. Các vị trí còn lại dừng thi công một thời gian dài. Mãi đến khi Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo thu hồi lô đất thanh toán cho dự án BT thì nhà đầu tư mới vội vã thi công những phần còn lại của đoạn 1 cùng hai cầu Bà Dạt, Mương Kênh, thông xe tuyến 2,8km vào tháng 9/2023 vừa qua.

Riêng 600m đoạn 2 suốt những năm qua chưa thấy nhà đầu tư triển khai xây dựng. Ghi nhận thực tế, đoạn từ Khu nhà ở Khang Điền kéo dài tới đường Vành đai 2 cây cối um tùm, không có máy móc hoạt động hay công nhân làm việc. Cầu Bà Hiện nằm ở đoạn này cũng chưa san lấp mặt bằng và thi công. Bên trong phạm vi dự án trở thành nơi đổ rác và nhiều xác chết động vật bốc mùi hôi thối.

Dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2 chạy dọc Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp chia lửa cho cao tốc, giảm áp lực tại Nút giao thông An Phú và các tuyến giao thông lân cận nhưng suốt 8 năm kể từ ngày thành phố phê duyệt chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng, đường song hành vẫn dang dở.

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ - Bài 2: 600m đường 8 năm chưa thi công ảnh 2

Khu vực đoạn 2 và xây dựng cầu Bà Hiện chưa thi công.

Nhiều điểm bất thường

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2015, một doanh nghiệp đề xuất thực hiện dự án đường song hành cao tốc này. Tháng 11/2015, UBND TP.HCM có văn bản số 7042/UBND-QLDA gửi Chính phủ đề nghị chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ngày 30/11/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đó có ý kiến: “UBND TP.HCM thực hiện phê duyệt đề xuất dự án và Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định... của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó cần làm rõ điều kiện thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT, trên cơ sở đó tổ chức triển khai...”.

Tháng 5/2016, sau khi xem xét kiến nghị của UBND TP.HCM và các Bộ ngành trung ương, Chính phủ đã chấp thuận về cơ chế triển khai, đồng ý áp dụng quy định “Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Đồng thời giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm xây dựng, phê duyệt phương án lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của dự án....

Vài tháng sau, quyết định phê duyệt báo cáo khả thi dự án được ban hành. Tháng 12 cùng năm 2016, thành phố duyệt kết quả chọn nhà đầu tư thực hiện là Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc. Mặc dù cơ chế triển khai dự án được Chính phủ chấp thuận áp dụng quy định “Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” nhưng đến 6/2017, UBND TP.HCM lại có văn bản thỏa thuận số 3797/HĐ-TT chuyển giao dự án cho Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương.

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ - Bài 2: 600m đường 8 năm chưa thi công ảnh 3
Quyết định giao đất cho Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương. Năm 2023, Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước sở hữu hơn 88% cổ phần và Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc nắm gần 12% cổ phần của Công ty Nguyên Phương.

Đáng chú ý, Công ty Nguyên Phương được thành lập ngày 27/4/2017, chỉ 2 ngày trước ngày khởi công dự án (29/4/2017) và khoảng 2 tháng trước khi được nhận chuyển giao. Doanh nghiệp non trẻ này do Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước sở hữu hơn 88% cổ phần (năm 2023) và Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc nắm gần 12% cổ phần. Thời điểm đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước cũng là cổ đông lớn của Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc.

Sau khi hoàn tất chuyển giao, ngày 13/10/2017, thành phố ban hành Quyết định số 5452/QĐ-UBND về giao đất, cho thuê đất để thanh toán cho hợp đồng BT dự án đường song hành cao tốc. Theo đó, Công ty Nguyên Phương được giao hai khu đất có tổng diện tích hơn 14,8ha thuộc Khu tái định cư 30ha trong Khu dân cư 90ha Nam Rạch Chiếc (Q.2 cũ); trong đó, lô thứ nhất rộng hơn 4,5ha và lô thứ hai có diện tích hơn 10,3ha. Hình thức nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn 50 năm.

Sau khi nhận khu đất sạch được thành phố giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng khu tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách, nhà đầu tư tiến hành quây tôn, gắn bảng quảng cáo dự án Senturia An Phú. Dự án này được giới thiệu có quy mô 8,6ha (tương đương chỉ tiêu đất ở, thương mại dịch vụ... ở quyết định giao đất của TP), xây dựng tổng cộng 355 căn nhà thấp tầng (nhà phố liền kề, biệt thự...) có diện tích từ 75m2 – 225m2, cùng nhiều tiện ích khác như công viên, hồ bơi....

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ - Bài 2: 600m đường 8 năm chưa thi công ảnh 4

Sau khi nhận được đất sạch, nhà đầu tư quây tôn, dựng cổng quảng cáo dự án Senturia An Phú. Hiện nay cửa đóng then cài.

Vào năm 2017, TP.HCM chấp thuận giá bán bảo toàn vốn khu nền đất 30ha Nam Rạch Chiếc phục vụ bố trí tái định cư dao động từ 7,8 – 8,7 triệu đồng/m2 thì lô đất 14,8ha được thanh toán cho Công ty Nguyên Phương có giá hơn 1.150 tỷ đồng – 1.287 tỷ đồng. Riêng giá thị trường đất nền khu vực trên vào cùng thời điểm dao động từ 13 – 15 triệu đồng/m2 thì lô đất có giá trị trên 1.900 tỷ đồng. Nếu so với giá trị dự án đường 3,4km khoảng 870 tỷ đồng thì nhà đầu tư có một món hời khủng khiếp!

Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT nêu: “Trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thì UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án.... Và việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất thực hiện theo nguyên tắc ngang giá...”.

Đứng trước cảnh “thiệt đơn thiệt kép”, để tránh thất thoát tài sản nhà nước, thành phố quyết định dừng hợp đồng BT, giao Sở TNMT thu hồi 14,8ha đất sạch dùng để thanh toán cho dự án đường song hành cao tốc từ năm 2020. Đồng thời tham mưu, đề xuất các khu đất khác phù hợp để thanh toán cho hợp đồng BT dự án. Dù đã có chỉ đạo thu hồi thế nhưng không hiểu vì sao khu đất 14,8ha này lại nhiều lần được mang ra định giá với mục đích “làm cơ sở cho Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương thực hiện nghĩa vụ tài chính”?!, trong đó, lần 4 vào tháng 1/2023. Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT TP.HCM để trao đổi về công tác thu hồi khu đất công cũng như việc mang khu đất ra định giá nhưng chưa nhận được hồi âm.

TP.HCM: Dang dở những tuyến đường nghìn tỷ - Bài 2: 600m đường 8 năm chưa thi công ảnh 5

Sau 8 năm kể từ ngày phê duyệt, dự án chỉ cơ bản hoàn tất được 2,8km.

Riêng với đoạn khoảng 600m còn dang dở còn lại, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho hay sẽ kiểm tra thông tin thời điểm khởi công, thời gian dự kiến hoàn thành. Trong báo cáo về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Sở GTVT cho biết sẽ phối hợp với các Sở ngành, UBND TP.Thủ Đức, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình và giải ngân kế hoạch vốn được giao theo tiến độ đã đề ra. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang triển khai, trong đó bao gồm đường song hành kể trên.

Quốc hội bỏ hình thức BT


Năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó bỏ hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao). Năm 2022, UBND TP.HCM quyết định dừng thực hiện dự án theo hình thức BT.


Năm 2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM, trong đó, cho phép TP.HCM được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Bài 3: Dự án BT 2,7km đổi lấy 5 công sản

TIN LIÊN QUAN
Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.