Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện văn bản, chủ trì, phối hợp với các sở ngành hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã về trình tự, nội dung, hồ sơ thủ tục, công tác phối hợp thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính. Sở Nội vụ cũng chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố thông tin, tuyên truyền rộng rãi để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
UBND cấp huyện, cấp xã đảm bảo công tác truyền thông, tư tưởng thông suốt, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để tích cực tham gia, phối hợp thực hiện.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Văn phòng UBND Thành phố khẩn trương thẩm định, trình dự thảo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 cấp thành phố. Đối với cấp huyện, cấp xã, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc của địa phương do Bí thư cấp huyện, cấp xã là Trưởng ban.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2019 - 2021, thành phố đã sắp xếp 3 quận là Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức (giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện) và sắp xếp 19 phường còn 9 phường (giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã). Hiện Thành phố có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 16 quận và 5 huyện) và 312 đơn vị hành chính cấp xã (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).
Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Thành phố đa phần có diện tích nhỏ nhưng có quy mô dân số rất lớn. Cụ thể, Thành phố có 4/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 31/312 đơn vị hành chính cấp xã đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; có 11/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 217/312 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên.
Tuy nhiên theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 21/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 223/312 đơn vị hành chính cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về quy mô dân số; có xã (như xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), phường đạt trên 2.000% (gấp 20 lần) tiêu chuẩn về quy mô dân số. Đặc điểm trên đặt ra rất nhiều khó khăn cho thành phố trong việc nghiên cứu, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới để đảm bảo đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Thời gian tới, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung lập phương án tổng thể, xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố gắn kết chặt chẽ giữa việc sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp với định hướng phát triển đô thị và thành lập các đơn vị hành chính đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; đảm bảo việc sắp xếp tạo thuận lợi cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương các cấp.
Thành phố tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, ổn định bộ máy, nhân sự tại các đơn vị hành chính được sắp xếp, nhất là làm tốt công tác tư tưởng, xử lý tốt vấn đề dôi dư cán bộ, công chức, người lao động... Cùng với đó, thành phố tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và không thu phí đối với người dân, tổ chức khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan khi thay đổi địa giới hành chính.
Tại Hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn vào giữa tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, sau rà soát, thành phố có 6 đơn vị cấp huyện (gồm các quận: 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận) và 149 đơn vị cấp xã chưa đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số (có 7 đơn vị cấp xã đã sắp xếp giai đoạn trước). Tuy nhiên, theo các tiêu chí đặc thù, thành phố cần rà soát lại và cân nhắc có thể có một số đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc diện không phải sắp xếp.
“Việc này thành phố đang nghiên cứu, xây dựng đề án để trình các cơ quan có thẩm quyền. Thành phố sẽ lấy ý kiến nhân dân để chọn lựa phương án phù hợp để làm sao thực hiện đúng quy định nhưng không gây xáo trộn, không ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, sinh hoạt của người dân, đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.