Du lịch Việt Nam bắt đầu phục hồi từ giữa tháng 4
Chia sẻ tại hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt”, diễn ra tại FLC Sầm Sơn chiều nay, 16/5, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch cho biết, từ tháng 3, Việt Nam đã hạn chế các đường bay quốc tế, giảm 18,1% so với cùng kỳ 2019. Việc tạm ngừng các hoạt động du lịch không chỉ tác động nặng nề tới người lao động trong ngành du lịch mà còn ở tất cả các ngành.
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Ngành du lịch đã phát động chương trình Người Việt Nam du lịch Việt Nam. |
Nhận diện nhu cầu, hành vi tiêu dùng của khách du lịch Việt Nam thời kỳ sau giãn cách xã hội cũng như tìm kiếm những giải pháp kích cầu du lịch hiệu quả , bà Emily Nguyễn - đại diện Google châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: Covid-19 đã khiến nhu cầu du lịch đến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 8,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, khảo sát của Google cho thấy Việt Nam bắt đầu thấy có sự phục hồi về nhu cầu du lịch từ giữa tháng 4 đến nay khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Sự phục hồi này đa phần nhờ vào nhu cầu du lịch nội địa.
Phân tích của đơn vị này cũng cho thấy, tìm kiếm liên quan đến chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua và tăng 85% trong thời gian cùng kỳ. Các điểm đến được nhiều người tìm kiếm nhất trong 30 ngày qua lần lượt là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn...
“Khách du lịch Việt Nam quan tâm nhất hai vấn đề các sản phẩm bảo vệ và giảm giá khi đặt vé máy bay hiện nay. Họ cũng quan tâm hai dịch vụ tương tự khi đặt phòng khách sạn. Trong 06 tuần gần đây, lượng tìm kiếm liên quan tới du lịch biẻn đảo ở Việt Nam tăng gấp đôi. Những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Vịnh Hạ Long... Cũng trong 6 tuần qua, lượng tìm kiếm liên quan tới công viên, vườn quốc gia ở Việt Nam đã tăng thêm 25%. Mọi người chú ý đến các địa điểm như Phong Nha Kẻ Bàng, vườn quốc gia Ba Vì, Vườn Quốc gia Cúc Phương, hang Sơn Đoòng, vườn quốc gia Cát Tiên, rừng Cúc Phương. Một vài hãng máy bay và công ty du lịch đã có các chương trình hỗ trợ tốt cho khách hàng trong thời gian này là Bamboo Airways, Philippine Airlines, Traveloka”, bà Emily Nguyễn nói.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Du lịch nhận thấy đây chính là thời điểm vàng để phá băng. Việc kích cầu hiện nay giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, hãng hàng không, vận tải du lịch cùng hợp tác kích cầu để khôi phục du lịch nội địa. Từng doanh nghiệp cùng chung tay kích cầu du lịch.
Phiên thảo luận Kích cầu Du lịch Nội địa - giải pháp và hành động trong thời điểm vàng. |
“Hội nghị phát động chương trình Người Việt Nam du lịch Việt Nam, thông tin rộng rãi tới các địa phương, vận động các doanh nghiệp tham gia... xây dựng các chương trình kích cầu khuyến mại, cung cấp thông tin về dịch vụ giá cả khuyến mại, đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch mới, các hãng hàng không doanh nghiệp vận tải cùng giảm giá vé cùng các doanh nghiệp, điểm đến giảm giá vé”, ông Khánh nói.
Đâu là giải pháp vàng kích cầu du lịch nội địa?
Tại hôi nghị, hơn 700 đại biểu, đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cùng doanh nghiệp đã thảo luận về giải pháp, hành động; những chính sách có tính “đòn bẩy” để phục hồi và kích cầu du lịch nội địa.
Các chuyên gia du lịch cũng như các đơn vị lữ hành, lưu trú đều cho rằng đây là thời điểm vàng để người Việt đi du lịch nội địa với giá cả hợp lý, an toàn. Những giải pháp kích cầu không nhất thiết phải giảm giá mà tăng giá trị, đưa thêm các sản phẩm, tăng giá trị của khách hàng nhận được. Nghĩa là cùng một chi phí bỏ ra, khách hàng nhận được nhiều quyền lợi và lợi ích hấp dẫn hơn nhiều lần.
"Việc kích cầu du lịch nội địa là yếu tố quan trọng. Thị trường du lịch nội địa có thể tăng 95% trong 7 tháng cuối năm. Thị trường người Việt có thể đi nước ngoài lên tới 16 triệu lượt khách, và thị trường này năm nay không thể đi nước ngoài được nữa và sẽ quay về đi du lịch Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng ta khám phá lại việt nam. Có rất nhiều các gói kích cầu của các hãng hàng không, lữ hành. Các công ty cần ưu tiên đưa ra các gói sản phẩm linh động, sáng tạo. Du lịch ngắn hạn, du lịch trong nước, du lịch theo nhóm nhỏ... Trên các cơ sở này, các doanh nghiệp có thể đưa ra các gói sản phẩm mới. Có rất nhiều gói kích cầu mà các công ty lữ hành, du lịch, hàng không... Các công ty quốc tế trở lại phục vụ thị trường nội địa", ông Trần Trọng Kiên- thành viên ban IV, chủ tịch TAB phân tích.
Giới thiệu hệ sinh thái FLC cùng cam kết ưu đãi trọn đời cho khách hàng lựa chọn sử dụng các gói kích cầu du lịch mà Tập đoàn này đưa ra sau mùa dịch, chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nều quan điểm: “Chúng ta hiện chưa thực sự tìm ra giải pháp để thu hút khách du lịch mà chỉ chờ đợi người ta tìm đến với mình. Đối với FLC, chúng tôi luôn không ngừng tìm cách thu hút du khách tới. Như tỉnh Thanh Hóa từ năm 2015 tới giờ, chúng tôi không ngừng quảng bá hình ảnh du lịch Sầm Sơn, đầu tư có bài bản, tâm huyết. Điều này giúp tăng lượng du khách tới Thanh Hóa từ 3 triệu lên 9 triệu trong năm 2019. Tỉnh thứ hai chúng tôi làm du lịch là Bình Định. Trước khi FLC vào, chỉ có ba chuyến bay một tuần rồi sau đó tăng lên 3 chuyến bay một ngày và sau khi chúng tôi tới, có 47 chuyến bay một ngày. Để làm được điều đó, chúng tôi phải đầu tư công sức, tiền bạc, bỏ hàng trăm tỷ quảng bá du lịch cho tỉnh để đón hàng triệu du khách. Tôi hy vọng sau buổi hội thảo hôm nay, những người làm du lịch của các tỉnh thành hãy chung sức đưa hình ảnh của địa phương, đất nước tới với du khách trong nước cũng như quốc tế nhiều hơn nữa”.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - kết hợp Bamboo Airways cùng hệ sinh thái của FLC để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nội địa. |
Về hãng hàng không Bamboo, ông Quyết cho biết, Bamboo kết hợp với hệ sinh thái của FLC tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo. “Ngoài đưa ra các gói combo cho khách hàng, chúng tôi kết hợp với nhiều doanh nghiệp làm tour du lịch, quần thể nghỉ dưỡng, giúp những người không có điều kiện cũng có cơ hội đi du lịch. Theo tôi quan sát, thời gian tới, người Việt sẽ có xu hướng đi du lịch trong nước nhiều hơn. Điều tôi mong muốn là những người làm du lịch hãy tuần thủ quy định, không "chặt chém" khách hàng, luôn lịch sự, niềm nở thì du lịch chắc chắn sẽ "phất", ông Quyết nhấn mạnh.
Đại diện Google cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam gồm: các chương trình thúc đẩy về văn hóa cũng như kinh tế; đào tạo nguồn nhân sự về kỹ năng số thông qua đào tạo và hội thảo trực tuyến, đưa ra công cụ, dịch vụ kết nối với du khách một cách dễ dàng, miễn phí và an toàn.
Đại diện các tỉnh thành như Quảng Ninh, Huế, Quảng Bình, chia sẻ nhiều thông tin về chính sách kích cầu du lịch của các địa phương này, bao gồm việc giảm giá, miễn phí các điểm tham quan cũng như nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch dành cho khách nội địa.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho rằng kỳ vọng vào 80 triệu người Việt đi du lịch song dẫu có phục hồi được du lịch nội địa từ nay đến cuối năm cũng chỉ đạt một phần so với 2019. Tương lai còn khó khăn cho đến 2021 cho đến khi các ngành hoạt động lại bình thường.
Ông Lê Quang Tùng: Chúng ta làm du lịch phải có liên kết. |
“Rất nhiều địa phương, các doanh nghiệp đã nêu ra hai vấn đề lớn: chính sách an toàn cần các địa phương triển khai tiêu chí: Thế nào là du lịch an toàn? Chúng ta cần triển khai đầy đủ hơn”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, vấn đề tiếp theo là làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch. Chúng ta cần chung tay làm việc này, từ hệ thống chính quyền địa phương. Trong đó cần kích cầu tiêu dùng nội địa, làm sao hỗ trợ người dân. Làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch, đó mới là cái quan trọng. Hiện chưa có đề xuất cho vay kích cầu, phát triển du lịch nội địa...
“Chúng ta làm du lịch phải có liên kết. Nếu chúng ta không chia sẻ với nhau (như hàng không không chia sẻ với khách sạn, nhà hàng), sẽ sụp đổ rất nhanh chóng. Nhưng điều may mắn là trong đại dịch, chúng ta đã cùng chia sẻ với nhau những rủi ro, không may... Chúng tôi mong muốn sự liên kết giữa các doanh nghiệp địa phương với các bộ ban ngành để những chính sách được triển khai chặt chẽ hơn”, ông Tùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, khảo sát nhu cầu khách du lịch nội địa hậu Covid-19 của VnExpress và TAB được công bố tại hội nghị cho thấy, 31,9% số người trả lời cho biết sẽ đi du lịch trong năm 2020, 29,3% có ý định lên đường vào mùa hè này, 24,8% đi du lịch trong 1 đến 2 tháng tới và 14,1% chưa có dự định.
Những trải nghiệm du khách ưu tiên nhất trong kỳ nghỉ lần lượt là nghỉ dưỡng, khám phá ẩm thực, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, mua sắm và cuối cùng là tâm linh.
Lý do để các du khách đi du lịch hậu Covid-19 là dịch vụ và điểm đến an toàn, điểm đến du lịch an ninh và an toàn. Một số quyết định lên đường bởi có các chương trình ưu đãi, không phải trả phí phạt khi thay đổi, hủy tour. Còn 7% người tham gia khảo sát chưa quyết định đi du lịch vào thời điểm này.
Về hình thức khuyến mại, 87,4% du khách muốn các doanh nghiệp ưu đãi trực tiếp vào giá dịch vụ, 9,9% muốn nhận thêm các sản phẩm, dịch vụ trên giá gốc và chỉ 2,7% lựa chọn ưu đãi cho lần kế tiếp.