Theo Nghị định 119 của Chính phủ, hơn 1 năm nữa là đến thời điểm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cả nước buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Dù vậy đến thời điểm này, việc triển khai hóa đơn điện tử tại nhiều nơi vẫn bộc lộ quá nhiều bất cập.
Hoá đơn điện tử là loại chứng từ được tạo lập, gửi, lưu trữ, quản lý bằng máy tính, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các cơ quan chức năng giảm thời gian, chi phí in ấn, vận chuyển và lưu trữ giấy tờ; Cơ quan thuế cũng sẽ dễ dàng trong công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Ông Lê Công Mai, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn đánh giá, hóa đơn điện tử đảm bảo tính minh bạch, tính bảo mật cao, tránh được sai sót, rườm rà trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, hóa đơn điện tử khắc phục được những bất cập liên quan đến gian lận thương mại, nhất là hóa đơn bất hợp pháp.
Mặc dù có rất nhiều lợi ích, song quá trình triển khai hóa đơn điện tử tại Lạng Sơn đang gặp không ít khó khăn. Doanh nghiệp cho rằng việc triển khai vẫn còn chưa bài bản nên gây khó cho doanh nghiệp, trong khi đó ngành Thuế lại chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Lạng Sơn giải thích quy trình, hóa đơn điện tử được phát hành xong, truyền về Chi cục Thuế khu vực sau đó đến Cục Thuế và Tổng cục Thuế.
“Nếu trong quá trình phát hành hóa đơn điện tử, nếu có sai sót lại phải làm công văn, phải đính chính sẽ rất phức tạp so với tờ hóa đơn bản cứng mà các doanh nghiệp đang sử dụng”, ông Dũng nêu nhược điểm.
Để hóa đơn điện tử được áp dụng rộng rãi và hiệu quả, đòi hỏi phải có sự chủ động và đồng bộ của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Mặt khác, lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử cần xác định những mục tiêu ngắn hạn, từng bước để doanh nghiệp có được sự chuẩn bị tốt và chủ động hơn.