Hành trình đi và lan tỏa
Những câu chuyện, tấm hình của Bông Mai trong hành trình 99 ngày rong ruổi không chỉ dừng lại ở khắc họa đất nước và thiên nhiên tươi đẹp, những bộ trang phục sắc màu nơi 44 tỉnh thành xa xôi, mà còn lẩn khuất cả những câu chuyện man mác về những thân phận, mảnh đời, và cả tình người chân phương, giản dị.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay nhận định: "Đây là một hành trình không hề đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng lúc bấy giờ. Mùng 2 Tết, Bông Mai đã xuất phát khi mọi người còn đang êm ấm, sum vầy bên gia đình.
Cô lái xe một mình, cặm cụi ghi hình hàng chục cộng đồng thiểu số. Những hình ảnh và câu chuyện trên suốt hành trình Mai gửi về đăng trên tạp chí Ngày Nay đã mang lại sự quan tâm của nhiều độc giả. Vô số di sản văn hóa truyền thống không hoàn toàn biến mất trong cuộc xâm lăng của đô thị hóa. Những bộ quần áo, những hoa văn, nghi thức truyền thống của đồng bào vẫn tồn tại ở đây và ở kia, chỉ là chưa được biết đến."
Nhà báo Nguyễn Hùng Sơn phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ". Ảnh: Thương Huyền. |
Những bức ảnh của Bông Mai trên bìa Tạp chí Ngày Nay. |
Tại cuộc Hội thảo "Vì Bức tranh tương lai có trẻ em gái' do Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp với tạp chí Ngày nay tổ chức mới đây, với tư cách một diễn giả, nhà báo Bông Mai đã khiến nhiều đại biểu rơi nước mắt. Chuyện em Mua ốm, nằm ở trên giường từ lúc sinh ra, trong một cái nhà trống hoác. Không có điều kiện chữa bệnh, nó nắm tay Mai đầy khắc khoải, mong rằng cô sẽ quay trở lại thăm mình. Hay chuyện một người phụ nữ dân tộc vì thương Mai lặn lội xa xôi, đã bày tỏ mong muốn "hóa thành mây trắng đi theo và phù hộ" cho cô.
Bông Mai độc hành cùng chiếc xe của bản thân, "không một xu tài trợ". |
Những thông điệp của Mai trong 99 ngày, ngoài mang đến cho độc giả những giá trị văn hóa đang bị mai một quanh ta, những câu chuyện về tình người ấm áp, còn mang mục đích khuyến khích những người phụ nữ dám lên đường, dám hành động và đổi thay, "dám sống một cuộc đời rực rỡ".
Giá trị đó sẽ không chỉ dừng lại ở khuôn khổ của cuộc triển lãm này, mà còn trong những cuốn sách, thước phim trong tương lai của nhà báo Bông Mai, lan tỏa động lực để những người phụ nữ vượt qua nỗi sợ, nỗi buồn, vô vàn định kiến xã hội, sống một cuộc đời có ích cho mình, cho đời.
Ngay trong buổi khai mạc triển lãm, Bông Mai đã thông báo một tin vui đến khán giả: Bệnh viện Đông Đô đã nhận điều trị cho bé Mua và rất hi vọng là bé sẽ được đến trường như mong ước.
Nhà báo, đạo diễn Bông Mai xuất hiện giản dị, tươi tắn trong bộ áo dài màu vàng. Ảnh: Thương Huyền. |
Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Nông Thuý Hằng tham dự Lễ khai mạc cuộc triển lãm. Ảnh: Thương Huyền. |
Những khách mời người dân tộc đến chung vui khai mạc triển lãm cùng nhà báo, đạo diễn Bông Mai. Ảnh: Thương Huyền. |
Cuộc triển lãm được dàn dựng dưới bàn tay người trẻ
Cuộc triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" cũng đã góp phần "trao quyền cho người trẻ", khi nhà báo Bông Mai liên tục nhắc đến sự năng động và nhiệt huyết của team Vanhoa, gồm 6 bạn trẻ từ 2000 - 2005, những người đã góp phần to lớn vào việc đem đến trải nghiệm nghe nhìn vô cùng ấn tượng tại cuộc triển lãm.
Pha, một trong những người trẻ đứng đằng sau việc lên ý tưởng, dàn dựng cho triển lãm của nhà báo Bông Mai. Ảnh: Thương Huyền. |
Trao đổi với Ngày Nay, Pha, sinh viên năm cuối của Đại học Anh Quốc tại Việt Nam BUV, cũng là người phụ trách sự kiện chính và tập hợp lại các ý tưởng sự kiện của team Vanhoa, cho biết: "Dựa theo mong muốn của nhà báo Bông Mai là trình bày cuộc triển lãm như một cuốn sách mở, bọn em đã lên ý tưởng cho ba chương sách - ba góc nhìn: 99 ngày rong ruổi; 99 ngày tìm hiểu về trang phục dân tộc; 99 ngày độc hành nhưng không cô đơn."
Góc "99 ngày tìm hiểu về trang phục dân tộc". |
Ba chương sách có "sức nặng" ngang bằng nhau, thể hiện qua việc ba mảng tường được bố trí diện tích tương đối đồng đều. Mặt khác, chỉ có một góc nho nhỏ cho phần video do Mai quay lại cùng bức tường "Thư gửi Mai" gắn đầy những lời nhắn mà khán giả gửi cho cô. Điều này có thể không nêu bật được thế mạnh của Bông Mai với tư cách một nữ đạo diễn, thế nhưng "cuộc triển lãm này không phải là về nữ đạo diễn Bông Mai, mà về hành trình rộng hơn dưới những góc nhìn, phương thức biểu đạt đa dạng".
Bông Mai bày tỏ sự cảm kích với team Vanhoa, những bạn trẻ đã đồng hành và gắn bó với cô suốt hành trình. Ảnh: Thương Huyền. |
Việc viết lên những cây cột trong triển lãm không chỉ để tăng tính ấn tượng thị giác, mà còn nhằm tái hiện lại những bản bản thảo mà Bông Mai đã thực hiện trên suốt chặng đường và liên tục gửi về đăng tải trên tạp chí Ngày Nay. "Để thể hiện rõ ý tưởng này, Vanhoa đã lựa chọn font chữ viết tay, đồng thời nơi chọn để lưu lại bản thảo sẽ có màu cũ, kết cấu xù xì, như chính những cây cột này," Pha chia sẻ.
Khán giả không chỉ nhìn, họ còn có thể chạm vào những "tờ bản thảo" là những mảng decal trong, nhám, và phần nào cảm nhận được những điều mà Bông Mai và Vanhoa dày công dàn dựng, truyền tải. Họ sẽ hiểu hơn về ngữ cảnh, cảm xúc đã cấu thành nên toàn bộ những bức ảnh được trưng bày. Yếu tố "tăng tính trải nghiệm" đã được team Vanhoa rất chú trọng trong quá trình lên ý tưởng cho "Dám sống một cuộc đời rực rỡ".
Những bản phác thảo đầu tiên về chuyến đi được tái hiện trên những cây cột trong triển lãm. |
Những ấn phẩm được bán tại triển lãm, mô phỏng trang phục dân tộc mà Bông Mai đã sưu tầm được trong suốt chuyến đi. Trong ảnh: Huy hiệu cô gái trong bộ trang phục dân tộc Dao Thanh Phán, Quảng Ninh. |
Key, một nữ du khách người Anh có mặt tại triển lãm chia sẻ: "Chúng tôi đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, việc gặp được triển lãm này ở đây hoàn toàn là một sự tình cờ, nhưng là một thiết kế chuyên mảng thời trang, tôi đã bị thu hút bởi những bức ảnh trang phục phụ nữ dân tộc. Mỗi bộ trang phục đều có nét đặc sắc riêng, từ khăn đội đầu, họa tiết hoa văn đến trang sức được chọn."
Được biết, hai vị du khách cũng đã từng du lịch có rất nhiều chuyến du lịch cộng đồng để trải nghiệm văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số ở Thái Lan, Lào, Việt Nam. Khi được chứng kiến kho tàng trang phục đồ sộ tại cuộc triển lãm, Key và bạn đồng hành đã bày tỏ sự hào hứng, mong muốn được đi nhiều, khám phá nhiều hơn nữa, "tôi tin rằng mỗi hoa văn, họa tiết đều có một câu chuyện ẩn đằng sau, sẽ thật tuyệt nếu có thể hiểu hết chúng, và biết đâu tương lai, những thu nhặt này sẽ truyền cảm hứng vào những thiết kế của tôi", nữ du khách mỉm cười.
Team Vanhoa cũng tiết lộ, ấn bản tiếng Anh thuận tiện hơn cho việc tiếp cận đến du khách, công chúng nước ngoài cũng đang được lên kế hoạch thực hiện và sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.
Triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” diễn ra đến hết 26/2/2023, tại Bảo tàng Phụ nữ (số 36 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).