Bài viết dẫn lời phụ trách bộ phận nghiên cứu của ngân hàng United Overseas (UOB) có trụ sở ở Singapore, ông Teck Kim Suan, cho rằng "điểm sáng" trong nền kinh tế khu vực Đông Nam Á năm nay là lĩnh vực du lịch, cũng như các dịch vụ liên quan như lưu trú, ăn uống, bán lẻ, vận chuyển và giải trí... Việc có thêm du khách từ Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại sau dịch COVID-19 sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ tại các nước Đông Nam Á.
Theo bài viết, các quan chức Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn đạt 6,5%, dù nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước Đông Nam Á trong năm 2023 sẽ giảm tốc so với năm 2022. Theo ông Teck Kim Suan, lượng khách du lịch Việt Nam ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay ở mức đáng khích lệ, cho thấy triển vọng tươi sáng của ngành du lịch và dịch vụ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã thông qua việc cấp thị thực điện tử (e-visa) có thời hạn 3 tháng, đồng thời kéo dài thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Chính phủ Việt Nam cũng đang chuẩn bị nới lỏng các quy định nhập cảnh du lịch để thu hút thêm khách du lịch nước ngoài. Tất cả các yếu tố này được cho là sẽ mang đến "cơ hội vàng" cho du lịch Việt Nam phát triển và tăng khả năng cạnh tranh.
Trong đó, thủ đô Hà Nội đang đẩy mạnh hợp tác với các vùng miền trong cả nước, nhằm thu hút nhiều khách du lịch đến với thành phố. Những năm gần đây, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai kế hoạch kết nối du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tập trung phát triển các dự án kích cầu du lịch qua đường hàng không.
Hiện Hà Nội đã ký quy hoạch hợp tác phát triển du lịch với các vùng Tây Nam, Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Hà Nội cũng mong muốn cải thiện hình ảnh, trở thành điểm đến du lịch “an toàn, thân thiện, chất lượng cao và hấp dẫn” trong mắt du khách. Khách du lịch nước ngoài mà Việt Nam đón tiếp chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.