Đối với công tác bảo tồn, việc số hóa tạo ra một kho dữ liệu giúp lưu trữ một cách lâu dài những hình ảnh, thông tin về toàn bộ di tích, từ những kiến trúc, trang trí, hệ thống bia đá… cho đến những vấn đề truyền thống khoa cử, truyền thống hiếu học hay thân thế, sự nghiệp của những vị Đại khoa… Song, được quan tâm nhiều nhất hiện nay chính là ứng dụng công nghệ 4.0 cho việc phát huy giá trị.
Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”, các học giả, chuyên gia công nghệ cho rằng, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có thể tạo ra hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia Tiến sĩ, tái hiện không gian di tích những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D…
Những công nghệ này giúp khách tham quan tìm hiểu một cách kỹ càng và đầy thú vị về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong môi trường “ảo mà như thật”; xây dựng những tour tham quan ảo 3D hấp dẫn. Những công nghệ này cũng đều nằm trong “tầm tay” khi các công nghệ 4.0 mới nhất đều đã có mặt ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư Đặng Văn Bài khẳng định: “Nếu biết vận dụng công nghệ số, giáo dục di sản sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này, các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0”.
Đặc biệt, hiện nay, công nghệ 3D Mapping đang ngày càng phổ biến. Công nghệ này cho phép dựng mô hình có tỷ lệ và kích thước tương đương với sản phẩm thật, sau đó thông qua trình chiếu dưới dạng 3D. Ứng dụng này rất thích hợp nếu triển khai tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi tổ chức các tour tham quan, du lịch đêm.
Trong dịp này, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã “chạy thử” một màn trình diễn công nghệ 3D Mapping tại sân Nhà Thái học để các chuyên gia, học giả có thể tham khảo, góp ý.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng khẳng định, ứng dụng công nghệ giúp các điểm đến xây dựng được nhiều nội dung tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuy vậy, khi xây dựng thành sản phẩm du lịch, cần tính toán đến việc cảm thụ của khách. Việc ứng dụng công nghệ số nếu làm tốt sẽ tạo sự độc đáo cho sản phẩm du lịch, vừa phát huy, vừa bảo tồn tốt di tích.