Theo bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và không có dấu hiệu báo trước. Đột quỵ giai đoạn sớm thường bắt đầu bởi các triệu chứng như xây xẩm chóng mặt, mặt lệch, tê yếu tay chân thậm chí liệt, đi không vững hay méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ...
Nguyên nhân là do người già thường mắc nhiều bệnh mãn tính, nhất là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... Đặc biệt, ở người già từ 75 tuổi trở lên, các bệnh lý này đã biến chứng, hoặc có nguy cơ biến chứng, dẫn đến mức độ sẽ nặng hơn. Ảnh hưởng của các bệnh lý nền khiến sức đề kháng suy giảm, dẫn đến cơ chế điều hòa mạch máu não kém. Nhiều khi ngồi dậy đột ngột, kết hợp thời tiết lạnh nửa đêm về sáng, dẫn đến đột quỵ.
Có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng... Đây đều là bệnh lý thường gặp ở người già.
Bác sĩ khuyến cáo, người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Khi nhiệt độ giảm đột ngột, cơ thể của người già cũng thay đổi để thích nghi nhưng rất kém và chậm, do đó các bệnh mãn tính dễ biến chứng. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...